Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ nhân lực tham gia phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, đối với công tác điều trị, TP.HCM đề nghị được hỗ trợ 927 bác sĩ (gồm 150 bác sĩ hồi sức và 777 bác sĩ khám, điều trị); 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên (gồm 400 điều dưỡng hồi sức, 50 kỹ thuật viên xét nghiệm, 50 kỹ thuật viên X quang và 3.637 điều dưỡng chăm sóc người bệnh).
Đối với công tác lấy mẫu xét nghiệm, TP.HCM cũng đề nghị được hỗ trợ 2.000 nhân viên có chuyên môn liên quan.
TP.HCM kiến nghị được hỗ trợ 2.000 nhân viên có chuyên môn về công tác lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cụ thể, số lượng nhân viên y tế cần điều động là 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã được Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực trong công tác phòng chống dịch là 1.936 nhân viên y tế, từ 25 bệnh viện Trung ương, bộ ngành và Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế cũng đã huy động 1.601 giảng viên, sinh viên, hỗ trợ TPHCM công tác truy vết, xét nghiệm.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Tại đây sẽ tập kết khoảng 2.000 máy thở các loại và giao Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương.
Ngay sau khi thành lập kho, Bộ Y tế đã chuyển đến 399 máy thở các loại (trong đó có 299 máy thở chức năng cao, máy xâm nhập và không xâm nhập để điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch). Tập đoàn Vingroup đã chuyển 800 máy thở do Tập đoàn sản xuất để hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh.
Cùng đó, Bộ Y tế chuyển ba hệ thống ECMO (hai cho TP.HCM và một cho Đồng Nai); 32 máy lọc máu liên tục; 113 máy theo dõi bệnh nhân, 290 máy tạo ô xy, 221 bơm tiêm điện, 160 máy truyền dịch, 13 máy phun khử khuẩn đến kho dự trữ này…