Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND Thành phố Hà Nội ra chỉ thị yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, thực hiện nghiêm quy tắc 5K, không tụ tập quá 5 người, tạm ngừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, hàng ăn chỉ bán mang về.
Đặc biệt trong những ngày gần đây, Chính phủ và người dân đã và đang nghiêm túc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số người dân bất chấp lệnh cấm vẫn xuống đường tập thể dục và lơ là các biện pháp phòng chống dịch, không tuân thủ chỉ thị của UBND thành phố Hà Nội.
Để “lách” luật, nhiều người thay đổi múi giờ tập thể dục chuyển sang tập từ sáng sớm hoặc tập về đêm muộn; tập thể dục dưới hầm đi bộ;…
Hai địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây là những nơi thoáng mát, rộng rãi, trước giờ người dân vẫn thường xuyên tập thể dục. Ghi nhận sau khi có lệnh cấm của Chính Phủ, một số người dân vẫn tới đây tập thể dục. Thực tế, công an phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã phải xử phạt hành chính nhiều trường hợp cố tình ra đường tập thể dục trong thời gian qua.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) lại cho biết: Người dân tại địa bàn huyện Ba Vì đã chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và bộ Y tế, hầu như cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn huyện chưa xử phạt trường hợp vi phạm nào về nội dung này.
“Người dân đã ý thức được mức độ nguy hiểm của đại dịch covid-19 nên không dám ra ngoài, trừ trường hợp thật cần thiết. Nếu ai cũng đưa ra lý do đi tập thể dục 1 mình, vậy 10 người như vậy lại thành một tập thể”, vị lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết.
Để người dân nắm rõ hơn các quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có trao đổi với luật sư Trương Công Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).
Trước hết, Luật sư Đức chobiết: Diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp, mức độ lây lan nhanh chóng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, tính mạng của người dân; ảnh hưởng tới nền kinh tế cả nước. Do vậy, thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và bộ Y tế chính là chung tay, góp phần đẩy lùi cơn đại dịch.
“Đối với trường hợp những người cố tình bất chấp lệnh cấm vẫn ra đường tập thể dục, theo tôi nghĩ thì đây được gọi là ích kỷ; họ chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến cộng đồng, không nghĩ đến sự hy sinh của bao nhiêu người khác, của những y, bác sỹ và cả Chính phủ đang phải gồng mình chống dịch. Vì vậy, mỗi người cần hy sinh một chút lợi ích cá nhân để giữ an toàn chung. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm chỉ thị chống dịch của chính quyền thành phố, đề nghị xử phạt để làm gương”, luật sư Đức nói.
Cụ thể, hành vi không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường thuộc diện không cần thiết có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 171/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế là từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Cũng theo quy định tại Nghị định này, người không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 bị phạt tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức.
“Hơn lúc nào hết chúng ta cần sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội. Đối với những trường hợp thiếu ý thức, cố tình vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, việc cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc cho thấy các hành vi vi phạm đều bị xử phạt nghiêm minh, kịp thời”, luật sư Đức nói.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).