Bán lẻ dược phẩm: cuộc đua kỳ thú
Hồ Nguyên Thảo
(KTSG) - Trên thị trường bán lẻ dược phẩm trong nước hiện nay, bên cạnh hàng chục ngàn nhà thuốc truyền thống, có những chuỗi nhà thuốc hình thành từ thập niên 1980, cũng có chuỗi mới hoạt động chưa đầy 10 năm nhưng lại phát triển với tốc độ chóng mặt, và có cả những nhà thuốc trực tuyến, nhà thuốc thông minh song hành với các nền tảng kết nối giữa các hãng dược với các hiệu bán lẻ.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt cột mốc 300 nhà thuốc vào đầu tháng 7-2021, xếp thứ hai sau hệ thống hơn 600 cửa hàng của Pharmacity. |
Thị trường bán lẻ dược phẩm được xem là tiềm năng tiếp tục thu hút các tay chơi muôn hình vạn trạng. Đầu tiên là các nhà thuốc đơn lẻ do tư nhân sở hữu. Kế đến là các chuỗi cửa hàng - từ vài cửa hàng cho đến vài chục cửa hàng, như chuỗi Mỹ Châu, Trung Sơn, Eco Pharmaceuticals, Phano, An Khang... Còn có cả những thương hiệu nước ngoài như Matsumoto Kiyoshi, Watsons, Guardian, Yves Rocher... Và nổi bật lên trong cuộc đua tranh hiện nay là cuộc đua giữa hai chuỗi Long Châu và Pharmacity.
Cuộc đua song mã
Với Long Châu, kể từ khi được FPT Retail mua lại vào năm 2017, chuỗi này từ 8 nhà thuốc ban đầu đã bứt lên với 300 cửa hiệu như đã tuyên bố hôm 7-7 vừa qua. Ngay từ đầu cuộc mua bán, FPT Retail đã đặt ra cho Long Châu một chiến lược phát triển bài bản. Ban đầu, họ chú trọng các địa điểm cửa hàng nằm ở các góc giao lộ, gần chợ, gần bệnh viện hay khu dân cư, rồi theo sau mới là việc mở mới các cửa hàng quy mô nhỏ hơn. Song song đó còn có một kế hoạch uyển chuyển, đó là sẽ chuyển đổi các FPT Shop khi cần kíp. Với chiến lược này, Long Châu nhắm tới mục tiêu 400 và có thể là 500 cửa hiệu vào cuối năm nay mà không phải mất quá nhiều công sức và thời gian tìm kiếm mặt bằng.
Long Châu không áp dụng chính sách thống nhất giá trên toàn bộ hệ thống mà bán giá rẻ hơn tại những vùng có thu nhập thấp hơn. Bởi chuỗi này xác định đối thủ chính là các nhà thuốc đơn lẻ có giá bán linh hoạt ở khắp nơi. CEO FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ một góc nhìn kinh doanh: “Biên độ lợi nhuận có thể thấp lúc đầu nhưng hiệu quả sẽ tăng khi mở rộng quy mô”.
Hiện Long Châu đạt doanh số trung bình hàng tháng 136.000 đô la Mỹ/mỗi cửa tiệm, bỏ xa các đối thủ khác, nhờ lợi thế số lượng đầu thuốc trong kho hàng (SKU) nhiều gấp 6-7 lần các nhà thuốc khác. Cũng theo bà Nguyễn Bạch Điệp, mặt hàng thuốc chiếm 58% doanh thu của Long Châu nhưng chỉ đóng góp 35% lợi nhuận, trong khi thực phẩm chức năng chiếm khoảng 30% doanh thu nhưng mang lại 49% lợi nhuận. “FPT Retail từng kỳ vọng Long Châu hòa vốn ở giai đoạn 2021-2022 và bắt đầu có lãi từ năm 2023. Nhưng trên thực tế, 90% số nhà thuốc đã mở cửa trên sáu tháng có lợi nhuận ngay trong quí 1 năm nay”, bà Điệp cho biết.
Chính thế mạnh công nghệ của FPT đã hỗ trợ mạnh mẽ sự bành trướng của Long Châu thông qua việc xây dựng hệ thống dữ liệu giúp Long Châu nhận biết xu hướng, quản lý và cơ cấu đầu thuốc trong kho hiệu quả. Ngoài ra, khi bán hàng trong mùa dịch Covid-19, chuỗi này có sự lưu ý gia tăng tương tác với khách hàng qua nền tảng mạng xã hội Facebook về các vấn đề dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe, cách phòng ngừa nhiễm bệnh.
Trong khi đó, đối thủ lớn của Long Châu là chuỗi Pharmacity đang có khoảng 600 cửa hàng và đã tuyên bố sẽ mở thêm “mỗi ngày hai cửa hàng” để đạt mục tiêu 1.000 hiệu thuốc vào cuối năm nay. Xa hơn, Pharmacity nhắm tới mức doanh số 1,5 tỉ đô la vào năm 2025 khi chuỗi vươn tới con số 5.000 nhà thuốc ở khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước để 50% dân số có thể đến một hiệu thuốc Pharmacity chỉ trong vòng 10 phút lái xe.
Pharmacity cũng đang nuôi nhiều tham vọng, như xây một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe bao gồm các dịch vụ tư vấn y tế, tiêm chủng, xét nghiệm và chẩn đoán, tư vấn dinh dưỡng; hợp tác với các công ty bảo hiểm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho khách hàng; ra mắt một “siêu ứng dụng” cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm e-pharmacist (dược sĩ trực tuyến), e-doctor (bác sĩ trực tuyến), lưu trữ hồ sơ sức khỏe, đặt xe cấp cứu, và ứng dụng truy xuất. Chris Blank - nhà sáng lập kiêm CEO Pharmacity - nhận định: “Khi điều kiện sống được cải thiện thì nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là về dược phẩm sẽ tăng theo cấp số nhân”.
So với các chuỗi khác, hiện Pharmacity có giờ mở cửa khá dài, từ 6 giờ sáng đến 11 giờ 30 đêm, chưa kể hai tiệm ở đường Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) và Thảo Điền (quận 2, TPHCM) mở cửa 24/7. Trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh, Pharmacity còn bán hàng trên trang mạng, trang Facebook, điện thoại và ứng dụng Extracare và cam kết giao hàng tận nơi.
Sự tham gia của startup công nghệ
Với đa dạng hình thức bán hàng của các hiệu thuốc hiện nay: bán tại cửa hàng (offline), bán qua mạng (online) hoặc kết hợp cả hai, các startup cung cấp giải pháp công nghệ có nhiều dư địa phát triển. Tech Moss với phần mềm giúp các nhà thuốc truyền thống có quy mô nhỏ chuyển đổi số nhằm quản lý việc kinh doanh dễ dàng hơn. Hay MedLink, BuyMed tạo các nền tảng kết nối các hãng dược với các hiệu thuốc nhỏ lẻ trên toàn quốc.
BuyMed đang nổi bật khi liên tục gọi được vốn từ các quỹ đầu tư. Họ đã nhận được khoảng 3 triệu đô la từ các vòng gọi vốn tiền Serie A, và vừa được Google chọn vào danh sách hỗ trợ tăng tốc. Hiện các hiệu thuốc nào tham gia vào mạng lưới của BuyMed thì sẽ được gắn logo BuyMed như kiểu Tripavisor đang làm trong mảng du lịch. Logo này xem như sự bảo chứng nguồn thuốc đạt chuẩn thông qua mạng lưới BuyMed.
Trong tầm nhìn của Hoàng Nguyễn - nhà đồng sáng lập BuyMed sức mạnh của công nghệ sẽ lấn lướt cả sức mạnh của quy mô. Do vậy, anh muốn dùng công nghệ để cùng với mọi người tiến lên phía trước. Ngoài việc mở rộng mạng lưới trong nước, BuyMed đang tính chuyện thâm nhập vào thị trường khối ASEAN. Hoàng nói: “Thị trường dược phẩm các nước Đông Nam Á tương đối giống nhau. Có thể Thái Lan có những hãng dược nổi tiếng hơn và các nhà phân phối lớn hơn Việt Nam, nhưng chủ các hiệu thuốc nhỏ lẻ thì vẫn gặp những khó khăn tương tự như các hiệu thuốc ở Việt Nam. Tôi nghĩ chúng tôi có cơ hội lớn ở Thái Lan cũng như ở các nước khác như Malaysia, Indonesia và Philippines”.
Ai chiếm ưu thế?
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu và tư vấn Ken Research, tốc độ lão hóa dân số tại Việt Nam đang gia tăng và tuổi trung bình sẽ đạt 42,1 tuổi vào năm 2050. Như vậy, chi tiêu cho dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng phình ra. Với tốc độ tăng trung bình hơn 14%/năm trong thập niên vừa qua, hiện giá trị thị trường này ở Việt Nam khoảng 7,5 tỉ đô la, nhưng mảng bán lẻ chỉ chiếm 30% (tỷ lệ này ở Brazil là 64%, ở Philippines là 80%).
Để dự đoán “ai” sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam, hãng chứng khoán Rồng Việt đã chỉ rằng: “Đó không phải là các chuỗi nhà thuốc hiện đại mà là các hiệu thuốc đơn lẻ của tư nhân. Họ có những ưu điểm như tiền thuê mặt bằng thấp, chi phí điều hành thấp, sự linh động cao, chủ hiệu thuốc trực tiếp trò chuyện và tư vấn khách hàng...”.
Hiện Việt Nam có khoảng 57.000 nhà thuốc tư nhân đơn lẻ trên cả nước.
“Doanh thu trung bình mỗi tháng của một nhà thuốc Long Châu là 136.000 đô la. Kế tiếp là An Khang 32.000 đô la, Eco Pharmaceutical 25.000 đô la, Phano 18.000 đô la, và Pharmacity 11.000 đô la”, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng. |
Xem thêm: lmth.uht-yk-aud-couc-mahp-coud-el-nab/406813/nv.semitnogiaseht.www