Sáng 23/7, Tổ công tác Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh. Một số những kiến nghị gỡ khó nhằm thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa từ các tỉnh lân cận vào TP Hồ Chí Minh đã được 2 tổ công tác đưa ra.
Tổ công tác của Bộ NN&PTNT khẳng định các nguồn cung thực phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng không thiếu, sẵn sàng cung cấp cho thành phố. Hiện có khoảng trên 200 chuỗi lương thực, thực phẩm sẵn sàng cung ứng cho thành phố.
Hiện có khoảng trên 200 chuỗi lương thực, thực phẩm sẵn sàng cung ứng cho TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: PLO)
Trong khi đó, Bộ Công Thương đề nghị TP Hồ Chí Minh xem xét tìm các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa và mở một phần chợ đầu mối.
Đại diện Tổ công tác của Bộ Công Thương cũng khẳng định thêm cần phải hạn chế tối thiểu việc thiếu hàng cục bộ, tăng giá xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Nhiệm vụ chính của TP Hồ Chí Minh và Bộ Công Thương lúc này là cần phải ổn định ngay, điều chỉnh giá cả bình ổn thị trường, chuẩn bị các kho hàng trung chuyển để tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh về thành phố. Vì nguồn hàng hóa đang vận chuyển về thành phố bị thiếu nơi tiếp nhận lưu trữ.
Hiện ngành công thương TP Hồ Chí Minh đang phối hợp liên ngành để sớm có cơ chế mở lại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn.
Song song đó, hoạt động mở lại một số chợ truyền thống cũng sẽ căn cứ vào tình hình cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn, hướng đến phương thức tổ chức mua sắm cho người dân phù hợp với công tác phòng chống dịch COVID-19 như: phát phiếu đi chợ, nhận đặt hàng qua điện thoại, đi chợ giùm người dân bị phong tỏa...
Tại TP Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 30 chợ truyền thống đang hoạt động; một số địa phương đóng cửa hoàn toàn mạng lưới chợ truyền thống để đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc tận dụng mọi chuỗi bán lẻ, điểm bán sẵn có đã phần nào bổ sung kịp thời điểm mua sắm an toàn và đưa thực phẩm đến mọi người dân trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi... cũng được giảm bớt áp lực vì người dân tập trung mua sắm và quá tải đơn hàng online. Qua đó, vấn đề an toàn điểm bán và nguồn nhân lực tại kênh bán lẻ hiện đại được đảm bảo ổn định duy trì hoạt động thương mại, phục vụ người dân trong khu vực.
Hàng hóa cung ứng tăng gấp 3 lần
Theo thống kê sơ bộ tại chuỗi Vinmart/Vinmart+ tại TP Hồ Chí Minh, lượng người mua sắm trực tiếp tăng khoảng 50%, đơn hàng online tăng 4 -5 lần. Để đáp ứng nhu cầu, hệ thống đã tăng lượng cung ứng hàng thực phẩm, tươi sống gấp 3 lần đối với ngày thường và gấp 4 - 5 lần ngày cuối tuần. Riêng ở Hà Nội, hệ thống Vinmart/vinmart+ cũng đã tăng dự trự hàng lên gấp 3.
Tại hệ thống siêu thị Big C (thuộc tập đoàn Central Retail), để đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, siêu thị kéo dài thời hoạt động đến 22h đêm, tăng dự trữ hàng tươi sống lên gấp đôi, hàng khô tăng 30% so với thường ngày.
Còn theo Lottemart, trước nhu cầu tăng cao của người dân, chuỗi siêu thi này cũng tăng lượng hàng hóa dự trữ thiếu yếu lên gấp 3 - 4 lần.
VTV.vn - Đa dạng kênh phân phối hàng hóa thiết yếu, hình thành các chuỗi cung ứng bổ trợ là một trong những giải pháp giúp TP Hồ Chí Minh giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.35703114132701202-hnim-ihc-oh-pt-ohc-mahp-cuht-gnuc-nougn-ueiht-gnohk/et-hnik/nv.vtv