TP.HCM cần tập huấn cho tình nguyện viên tham gia lấy mẫu để lực lượng y tế tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn UBND TP.HCM về việc quản lý đối với người nhiễm COVID-19.
Theo đó, đối với người xét nghiệm nhanh dương tính thì cần đưa ngay đến khu cách ly tạm thời của các quận, huyện để theo dõi sức khỏe chờ kết quả xét nghiệm xác định bằng Realtime RT-PCR.
Trường hợp các quận, huyện chưa có khu cách ly tạm thời thì để người nghi nhiễm tại nhà nhưng phải được tách riêng để tránh lây nhiễm cho người khác, theo dõi sức khỏe chờ kết quả xét nghiệm xác định bằng Realtime RT-PCR.
Khi đã có kết quả xét nghiệm bằng Realtime RT-PCR khẳng định dương tính, thì các trường hợp không có triệu chứng, tải lượng virus thấp có thể được tiếp tục cách ly tại nhà hoặc cho về nhà từ khu cách ly tạm thời và được theo dõi y tế theo quy định.
Đối với người dương tính có triệu chứng hoặc tải lượng virus cao (Ct < 30) thì chuyển đến các cơ sở điều trị.
Các trường hợp nặng, nguy kịch cần được vận chuyển sớm nhất đến các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng để được điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả các cơ sở thu dung điều trị phải bố trí giường bệnh cấp cứu ban đầu có đủ oxy để điều trị các bệnh nhân có chuyển biến nặng, khi chưa kịp chuyển đến bệnh viện tuyến cao hơn.
Đồng thời, TP cần huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là công tác điều trị để giảm bớt áp lực cho các cơ sở y tế công lập. TP làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho những người có thẻ bảo hiểm y tế.
TP cần rà soát nhân lực y tế, huy động và tập huấn cho các tình nguyện viên, thanh niên để tham gia lấy mẫu xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên) để chuyển các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên sang tăng cường cho các cơ sở điều trị.
TTO - PGS-TS Đoàn Hữu Nghị, nguyên giám đốc Bệnh viện E, cho rằng tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 hiện tại 'rất chậm'. Theo ông, nên huy động cả hệ thống y tế công và tư, không để y tế công phải 'ôm đồm' như hiện nay.