Sau khoảng hai tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, TP.HCM tiếp tục kéo dài việc áp dụng chỉ thị này tới ngày 1-8, với nhiều giải pháp mạnh hơn nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu đưa ra tại Chỉ thị khẩn số 12 của Thành ủy TP.HCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Các thống kê cho thấy đúng như lãnh đạo TP nhận định, cho đến nay “tình hình dịch tại TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp”.
Ngoài vấn đề số ca F0 phải điều trị, chuyển nặng, thậm chí là tử vong gia tăng; vấn đề về thiết bị, hạ tầng, nhân lực y tế đã quá tải thì “bài toán” ca F0 trong khu phong tỏa tăng mạnh cũng là vấn đề hệ trọng đòi hỏi TP phải điều chỉnh chính sách. Thực tế cho thấy một số nơi làm tốt nhưng cũng còn nhiều nơi lúng túng, xuất hiện tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng” ở khu phong tỏa.
Cán bộ cơ sở hỗ trợ chuyển nhu yếu phẩm cho người dân ở những khu vực cách ly, phong tỏa. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thấu hiểu đặc thù cư dân khu phong tỏa
Theo tinh thần của Chỉ thị 12, “trong các khu phong tỏa, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.” Đây là bài toán nan giải nhất mà lâu nay một số địa phương vẫn phải nỗ lực tìm cách. Vì sao?
Lý do chính có lẽ là vì số ca F0 dường như có mối quan hệ với mật độ dân số và đặc thù về nhân khẩu học. Báo cáo mới nhất của Liên đoàn Lao động TP.HCM công bố hôm qua (23-7) cho biết tính đến nay, trên địa bàn TP có 253 doanh nghiệp bị phong tỏa với số lượng công nhân gần 27.900 người. Trong khi đó, ước tính của TP có đến 226.000 người là lao động tự do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Một số khu vực như Bình Tân, Bình Chánh, TP Thủ Đức, Hóc Môn, quận 4, quận 3, quận 1, Bình Thạnh… có số ca F0 trong các khu phong tỏa rất cao (từ trên 1.000 ca đến trên 3.000 ca, tính từ ngày 20 đến 23-7).
Các địa phương này đều có điểm chung: Mật độ dân số các khu phong tỏa cao, đặc biệt những nơi liên quan công nhân hoặc (và) người lao động tự do. Dù kiểm soát ca F0 trong khu phong tỏa rất tốt nhưng trong báo cáo mới đây (ngày 19-7) của quận 7 với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho thấy: “Các khu vực có nhiều ca dương tính là khu nhà trọ đông công nhân nhập cư, khu vực giáp ranh các quận, huyện lân cận và các khu nhà lụp xụp trong hẻm sâu”.
Các nhóm lao động công nhân, lao động tự do này thường tập trung thành từng nhóm cư trú ở các khu nhà trọ, xóm lao động lụp xụp, các con hẻm sâu và chật hẹp, xuất hiện rải rác khắp các quận, huyện trên địa bàn TP. Các khảo sát ban đầu của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife) cho thấy đây là nhóm người bị tổn thương nhiều nhất vì dịch bệnh, bởi vì: (i) Điều kiện tài chính khó khăn; (ii) Hay gặp vấn đề sức khỏe, có nhiều người khuyết tật; (iii) Học vấn, nhận thức và khả năng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh còn hạn chế.
“Các nhóm yếu thế này thường sống ở các khu trọ, khu tập thể san sát nhau, thường hay sinh hoạt chung trong không gian chật hẹp, kể cả trong phòng lẫn ngoài khu vực công cộng. Quan sát sẽ thấy mật độ dân số tại một số khu phong tỏa có đông công nhân và người lao động tự do trên địa bàn TP (ví dụ tại khu Tăng Nhơn Phú B, thuộc TP Thủ Đức) thường rất cao. Họ có thói quen chuyện trò, chia sẻ với nhau sau giờ làm việc, xảy ra tiếp xúc gần. Nhận thức còn hạn chế, cùng với áp lực tâm lý gia tăng, họ dễ bột phát, không tuân thủ chính sách phòng dịch” - PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Social Life, nói.
Ông Lộc cũng lưu ý thêm: Theo quan sát, một số người lao động trong khu phong tỏa ở TP.HCM có mong muốn về quê nhưng họ sợ bị các chốt kiểm soát COVID-19 chặn lại. Vì thế, một số người có ý định bất chấp, dùng xe máy để đi theo các đường hẻm, đường mòn, luồn lách qua các khu dân cư phức tạp để về Bình Dương, Tây Ninh, các tỉnh miền Tây. Điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch.
Sáng 22-7, 299 tình nguyện viên các tổ chức tôn giáo ở TP.HCM tham gia phòng chống dịch COVID-19. Các nhóm tôn giáo ngoài tham gia vào các hoạt động ngoài cộng đồng, bệnh viện… cũng nên khuyến khích đến các khu phong tỏa, nhất là các khu vực có nhiều tín đồ tôn giáo. Các nhóm tôn giáo có thể động viên, giúp đỡ, tuyên truyền thông tin đến các người dân; xoa dịu sự lo lắng, tâm lý chán nản, căng thẳng của nhiều người trước khó khăn trong mùa dịch. |
“Bàn tay nhung bọc sắt”
Trước tình hình dịch gia tăng và xác định được các khu vực là “điểm nóng” như đã nêu, cần phải đồng nhất hai cách tiếp cận: Một mặt tiếp tục mềm mỏng theo hướng tuyên truyền và hỗ trợ người dân; nhưng mặt khác phải có “thiết quân luật” cho những trường hợp vượt giới hạn. TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM) gọi đó là “bàn tay nhung bọc sắt”.
Sẽ không dễ dàng để có một công thức chung về độ “cứng rắn” và “mềm dẻo”. Tuy nhiên, có thể khẳng định trong hai tuần tới, TP buộc phải gia tăng kỷ luật phong tỏa so với trước đây, tức là phải “cứng rắn” nhiều hơn. Cần gia tăng cảnh sát, sinh viên trường cảnh sát, lực lượng trị an cơ sở ở phường, khu phố… thường trực giám sát để: (a) Ngăn tiếp xúc gần; (b) Chặn các trường hợp di chuyển, muốn rồi khỏi khu phong tỏa; (c) Chặn người bên ngoài di chuyển đến khu phong tỏa. Theo đó, việc gia tăng mức cứng rắn này cần đảm bảo hai yếu tố.
Một là phải có “liều lượng” và lộ trình hợp lý. Tùy vào số lượng cư dân trong một xóm trọ, một con hẻm hay một khu nhà lụp xụp mà cần có số lượng cảnh sát cùng lực lượng trị an phù hợp. Ban đầu có thể ít người, ít ca rồi tăng dần số lượng và tần suất giám sát cho đến khi số F0 được kiểm soát hiệu quả thì giảm dần, nới lỏng. Ban đầu có thể dùng các biện pháp nhẹ (nhắc nhở, cảnh cáo); sau đó áp dụng các biện pháp rắn hơn (phạt hành chính, hình sự). “Mô hình đường cong” phối hợp công tác tuyên truyền thường xuyên sẽ giúp người dân từ từ gia tăng ý thức, thích nghi và tâm lý không bị căng cứng.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát và trị an phải được tập huấn các quy trình, nguyên tắc khi tiếp xúc với người dân. Một mặt, phải quán triệt tư tưởng “giúp dân chống dịch” chứ không được lạm dụng quyền lực, đi quá đà, làm khó người dân. Mặt khác, nếu xảy ra các trường hợp mâu thuẫn, có người dân quá khích, không hợp tác… thì vừa giữ thái độ kiên quyết nhưng phải bình tĩnh, sáng suốt.
Ở một số quốc gia, ngay như phương Tây, đã có nhiều trường hợp cảnh sát thiếu kiềm chế khi tiếp xúc với những (nhóm) người quá khích, chống đối, gây rối… dẫn đến việc cảnh sát lạm dụng sức mạnh và các công cụ cưỡng chế, gây ra “vệt dầu loang” bạo lực. Tại Việt Nam, khi áp dụng Chỉ thị 16 ở một số tỉnh, thành, báo chí từng phản ánh một số trường hợp người thực thi pháp luật hiểu sai quy định, dùng ngôn từ không phù hợp, lạm dụng cưỡng chế gây ức chế cho người dân. Thế nên lực lượng thực thi pháp luật ở TP phải được trang bị tâm lý lẫn kỹ năng ứng phó các tình huống một cách nhuần nhuyễn, thấu tình, đạt lý.•
Vẫn lấy sự giúp đỡ, hỗ trợ người dân làm nền tảng “Bàn tay nhung bọc sắt” vẫn ưu tiên các giải pháp mềm dẻo. Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên vấn đề 5K, giãn cách. Trong không gian nhỏ hẹp của các khu xóm trọ, con hẻm thì việc áp dụng các xe lưu động; hệ thống loa cố định; đội ngũ tuần tra giám sát để phát hiện, giải tán các nhóm tụ tập bên trong khu cách ly là cần thiết. Cần chuyển đi thông điệp: (i) Nếu vi phạm quy định sẽ bị phạt nghiêm; (ii) Hệ thống y tế đang quá tải, nếu để bùng phát dịch thì bản thân người dân cùng người xung quanh sẽ nguy hiểm. Thứ hai, thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật để giãn dân. Chuyển người từ phòng nhiều người sang phòng ít người; khu đông dân sang khu thưa dân; tận dụng các không gian trường học, khách sạn… để giãn nở chỗ cư trú cho người dân. Việc này vừa giảm nguy cơ tiếp xúc gần, vừa giảm áp lực đối với lực lượng giám sát. Muốn thế, chính quyền cần chi ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để tạo thêm chỗ ở tức thời. Ngoài ra, tổ chức tốt các nhóm làm công tác dân vận. Song song đó, để người dân an tâm ở trong nhà, cần tổ chức lực lượng tình nguyện viên đưa đồ ăn, thức uống, thuốc men, nhu yếu phẩm đến tận cửa; cung cấp bác sĩ tận nhà tình huống khẩn cấp hoặc dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa. Cùng đó là kịp thời giúp đỡ người dân trong khu cách ly đi cấp cứu (sinh đẻ, tai biến…), nhận nhu yếu phẩm từ gia đình, người thân gửi đến; kịp thời trợ cấp tài chính, giảm giá tiền điện và tiền nước, hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến (tiền nhà, tiền điện, nước…). Tất cả sẽ tạo ra một không khí hòa thuận, tạo cảm giác an tâm để người dân không còn tâm lý phá rào, chống đối. Một số địa phương như quận 7, quận Phú Nhuận… đã làm điều này và đang phát huy hiệu quả. |