Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở TP HCM và nhiều địa phương trên cả nước, nhiều người trước đây chưa từng dùng đến tài khoản ngân hàng (NH), ví điện tử thì nay dù muốn hay không cũng phải chuyển sang hình thức thanh toán hiện đại này, bởi "muốn đi rút tiền cũng khó". Chưa kể, đa số các chợ, cửa hàng đều đóng cửa; hầu hết siêu thị chỉ nhận thanh toán online, qua ví hay cà thẻ qua máy POS để bảo đảm giãn cách nên cầm tiền mặt cũng không có cơ hội tiêu xài.
Vừa nhận thông báo chung cư bị phong tỏa vì có ca F0, không ai được ra ngoài, tiền mặt hết sạch, chị Hồng (ngụ chung cư HQC Plaza, huyện Bình Chánh, TP HCM) liền nhờ bạn chuyển gấp cho 2 triệu đồng vào tài khoản để thanh toán trên Internet Banking và Mobile Banking. Từ đó đến nay, mọi chi tiêu, thanh toán hàng hóa, đặt rau củ quả, mua gạo, đóng tiền điện, nước…, đều được chị Hồng thực hiện qua kênh NH điện tử.
Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã thúc đẩy các kênh giao dịch không tiền mặt tăng trưởng thấy rõ thời gian gần đây. Ảnh: TẤN THẠNH
Tương tự, suốt hơn một tháng sống ở khu phong tỏa là chung cư Ehome3, quận Bình Tân, TP HCM, chị Dương Mỹ và cả nhà gần như không dùng tới một đồng tiền mặt nào. Mọi giao dịch đều thực hiện qua ứng dụng NH số Open Banking của NH TMCP Nam Á, từ thanh toán tiền điện, tiền nước đến "đi chợ" online mua nhu yếu phẩm. "Trước đây tôi quen xài tiền mặt nhưng từ khi chung cư bị phong tỏa, buộc phải làm quen với phương thức thanh toán này. Xài rồi mới thấy tiện lợi, không rắc rối như tôi vẫn nghĩ" - chị Mỹ chia sẻ.
Tại nhiều khu dân cư khác, mọi giao dịch trên các hội, nhóm chung đã dần chuyển sang thanh toán online qua ví điện tử hoặc các ứng dụng NH để hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc. Những người chưa có tài khoản NH hay ví điện tử rất dễ dàng mở mới thông qua eKYC, một tiện ích mở tài khoản từ xa qua mà NH thương mại nào cũng đang đẩy mạnh, kèm theo nhiều ưu đãi hấp dẫn cho người dùng mới.
Chưa có thống kê chính thức nhưng các hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM cho biết trong đợt dịch lần 4 này, cùng với việc đơn đặt hàng online tăng đột biến thì tỉ lệ khách hàng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh so với trước. Theo đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart, đa số khách đặt hàng online và các ứng dụng trực tuyến đều sử dụng thành thạo các ứng dụng thông minh trên điện thoại, bao gồm Internet Banking và các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Quan trọng hơn, khách chọn mua hàng online vì muốn hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp nên chọn trả tiền trước, nhận hàng sau.
Theo các siêu thị, trong thời gian cao điểm nửa đầu tháng 7, có những ngày đơn hàng online gửi đến hệ thống dồn dập, kéo dài từ 5 giờ sáng đến tận 24 giờ nên đã xảy ra nghẽn mạng hoặc lỗi hệ thống. Một số đơn hàng khách đã đặt thành công, thanh toán đầy đủ nhưng hệ thống tự hủy vì quá tải; cũng có nhiều trường hợp khách chờ 3-4 ngày không thấy giao hàng đã chủ động hủy đơn. Tất cả những trường hợp này đều được giải quyết hoàn tiền.
Nhiều NH thương mại, ví điện tử cho biết nhu cầu thanh toán online tăng mạnh thời gian qua vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc nhưng cũng có phần từ sự phát triển của công nghệ, NH số được đẩy mạnh. Việc mở tài khoản thanh toán từ xa qua eKYC trở nên dễ dàng.
Đại diện NH TMCP Phương Đông (OCB) xác nhận thanh toán online qua OCB bùng nổ trong giai đoạn này, đặc biệt sau khi NH triển khai eKYC. Tỉ lệ giao dịch thanh toán online tăng lên hơn 30% trong nửa tháng đầu năm 2021. Với sự ra đời của eKYC, khách hàng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với việc sử dụng ứng dụng di động để mở tài khoản và thực hiện các giao dịch NH qua kênh online.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua các kênh online tại Nam A Bank tăng mạnh, số lượng khách hàng tăng 195%, số lượng giao dịch tăng 239% và tổng giá trị giao dịch tăng 302% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, tỉ lệ khách hàng giao dịch online tăng liên tục qua từng tháng.
Ví điện tử MoMo cũng cho biết năm 2020 dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng số lượng khách hàng của ví đã tăng gấp đôi, đạt 23 triệu khách hàng với tổng giá trị giao dịch đạt 14 tỉ USD, gấp 3,5 lần năm trước. Từ đầu năm 2021 đến nay, MoMo tiếp tục thu hút thêm hơn 2 triệu người dùng đăng ký sử dụng ví điện tử này.
Cẩn trọng
NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay thời gian gần đây có một số trường hợp khách hàng phản ánh họ bị lừa đảo khi thực hiện các giao dịch liên quan đến ví điện tử. Cụ thể, khi khách hàng sử dụng dịch vụ vay vốn trực tuyến, đối tượng lừa đảo liên hệ và yêu cầu cung cấp các thông tin, hình ảnh gồm: CMND, số thẻ VietinBank, mật khẩu OTP… Sau đó, đối tượng sử dụng các thông tin trên để tạo tài khoản ví điện tử đối với khách hàng chưa có rồi nạp tiền vào ví điện tử, rồi dùng số tiền này để tiêu xài hoặc chuyển tiền qua ví điện tử khác để chiếm đoạt.
Ngoài ra, kẻ gian còn giả mạo cán bộ VietinBank thông báo thông tin tài khoản liên kết với ví điện tử có vấn đề phát sinh, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin bảo mật của tài khoản (mật khẩu, OTP, số thẻ…) để xử lý, mục đích là chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Xem thêm: mth.38220231232701202-or-yaht-gnat-enilno-naot-hnaht/et-hnik/nv.moc.dln