Giáo viên dạy trực tuyến cho học sinh trong thời gian giãn cách xã hội - Ảnh: NHƯ HÙNG
Họ cũng có cảm xúc tích cực hơn, có nhiều đóng góp cho xã hội trong chính quãng thời gian không biết làm gì cho hết này.
Có nhiều cách khác nhau để đạt được như vậy, ở đây chỉ xin bàn về cách tự học ở nhà mà nhiều người đang áp dụng thành công.
Thay đổi cách nhìn
Trước hết về nhận thức. Sao ta không nhớ lại những ngày đi làm bận rộn, ta cứ ước ao được vài ngày ngơi nghỉ để làm việc nhà, chăm sóc bản thân, tìm hiểu thêm những thứ mình muốn biết hoặc biết mà chưa rành, hoàn thành một việc làm dở dang mà cứ bị gác lại do quá bận. Thì đây, quãng thời gian này sao ta không tận dụng. Chỉ cần thay đổi cách nhìn là có thể thấy nhiều lối ra. Một trong số đó là tranh thủ tự trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nào đó qua tự học.
Nghe nói tự học ở nhà vào lúc có trăm mối lo giữa đại dịch, không ít người thấy dội. Học cái gì, có cái gì thiết thực để học không? Xin thưa, có nhiều thứ để học, mà lại rất thiết thực nữa. Ta có thể học cách ăn uống, giữ vệ sinh cá nhân và nhà cửa sao cho virus corona khó xâm nhập cơ thể mình, gia đình mình.
Ta có thể đọc sách, thứ mà lúc đi làm ta ao ước nhưng là điều "xa xỉ". Sách sẽ dạy ta, mách ta nhiều điều sâu sắc mà thông tin vắn tắt trên báo không cung cấp được. Sách sẽ giúp nâng cấp suy nghĩ, nâng cấp tình cảm trong ta.
Nhiều thứ để học
Ta có thể học qua mạng một chuyên đề nào đó, học cách nấu ăn hoặc theo học từ xa một chương trình đại học đều có thể, nhờ vậy mà có thêm kỹ năng sống. Học cùng con để hiểu con thêm và tự hiểu mình thêm.
Học đàn, học vẽ, may thêu, trang trí, học cách chăm sóc người già, người bệnh; có thể học cách bảo quản lâu thực phẩm trong tủ lạnh, học cách trồng rau trong nhà, học cách sửa chữa vật dụng gia đình; học ngoại ngữ, học cách đầu tư tiền sao cho có lợi...
Nhìn rộng ra xã hội, ta có thể học để làm theo cách suy nghĩ và sống đẹp của người người đang âm thầm xả thân chống đại dịch. Không có chuyên môn về y tế, về giữ gìn an ninh trật tự thì đi làm tình nguyện viên, đi nấu cơm từ thiện, đi tặng bánh mì cho người nghèo, tiếp tế thực phẩm cho khu cách ly...
Những người phải thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa làm việc thiện, chỉ mong có những phút đặt lưng này, họ đâu có lâm vào tình trạng không biết làm gì cho hết thời gian. Nhìn họ, người có tâm biết mình phải học gì, học ở đâu.
Có thời gian mà không biết làm gì cho hết, quả là phung phí. Biết làm gì để có lợi cho mình, cho gia đình mình, cho xã hội, điều này tùy thuộc vào cách cư xử với thứ của cải quý báu mà ai cũng được ban phát từ khi chào đời, đó là thời gian.
Thời khóa biểu cho cả tuần, cả tháng
Bạn hãy thử liệt kê ra những kiến thức, những kỹ năng thật có ích mà bạn chưa biết và muốn biết. Từ danh sách đó, hãy chọn ra những thứ vừa sức mình, thứ mà bạn có thể làm nếu biết, bạn sẽ thấy ngay điều bạn cần học là gì. Sau đó bạn lập một thời khóa biểu cho cả tuần, cả tháng, bạn sẽ có một thời khóa biểu kín mít.
Bắt tay vào thực hiện nó, câu than thở của bạn sẽ đổi thành "sao ít thời gian quá vậy". Thời gian trôi đi một cách giống nhau đối với mỗi người nhưng cảm nhận dài hay ngắn là do cách ta sử dụng nó. Hãy sử dụng thời gian sao cho có lợi nhất cho mình, gia đình và xã hội.
TTO - Không hẹn mà gặp, nhiều bạn đọc chia sẻ ý tưởng, giải pháp cùng cách nhìn tích cực nhân việc con nghỉ học vì dịch. Xin giới thiệu hai ý kiến từ hai miền đất nước.
Xem thêm: mth.42643248042701202-hcid-aum-gnort-gnoc-hnaht-coh-ut/nv.ertiout