Sáng 24-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT)Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đã đến 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền khảo sát công tác phòng chống dịch và phương án tổ chức trạm trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ này.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Huây, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ, cho hay điểm trung chuyển tại chợ đi vào hoạt động từ ngày 12-7 tại bãi xe container trong khuôn viên chợ. Kế hoạch ban đầu sẽ có 18 thương nhân lớn đưa hàng hóa về điểm trung chuyển này để "sang xe" và đưa hàng hóa nông sản đi tiêu thụ tại các siêu thị, bếp ăn, chợ truyền thống... trên địa bàn. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều thương nhân và nhân công của họ đang "kẹt" trong các khu cách ly, phong tỏa nên hiện chỉ vài thương nhân đưa hàng về chợ mỗi đêm.
Đoàn công tác khảo sát điểm trung chuyển tại chợ đầu mối Thủ Đức
"Chúng tôi bố trí sân bãi, có lực lượng giám sát, kiểm soát phòng chống dịch tại chợ chặt chẽ, tất cả tài xế, phụ xế lái xe ra vào chợ lẫn nhân viên làm việc tại điểm trung chuyển đều phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính và còn hiệu lực trong vòng 72 giờ" - ông Huây báo cáo với đoàn khảo sát.
Theo ông Huây, hiện mỗi đêm điểm trung chuyển này chỉ tiếp nhận 45-50 tấn nông sản. "Tính ra, mỗi chuyến chở hàng đi về TP HCM - Đà Lạt, tài xế đều phải xét nghiệm; thêm yếu tố tâm lý ngại đến TP HCM nên họ không chạy" - ông Huây giải thích.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng trao đổi với các thành viên đoàn công tác
Còn tại chợ đầu mối Hóc Môn, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty quản lý và Kinh doanh chợ, cho hay Sở Công Thương TP và UBND huyện Hóc Môn đã thống nhất với phương án mở điểm trung chuyển, một số thương nhân cũng đã đăng ký và được hướng dẫn đầy đủ nhưng do tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn quá phức tạp, chưa bảo đảm an toàn nên chưa thể triển khai.
Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT đề nghị TP HCM sớm mở điểm trung chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối
"Chợ bố trí khu vực tập kết hàng hóa rộng 5.000 m2, khu vực cho tài xế, thương nhân lẫn nhân viên chợ thực hiện "3 tại chỗ" và đã chuẩn bị sẵn sàng từ cả tháng nay, chỉ chờ các cơ quan có thẩm quyền cho phép là tổ chức thực hiện ngay" - ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, nếu điểm trung chuyển này đi vào hoạt động, tối đa mỗi ngay có thể tiếp nhận, phân phối 120-150 tấn hàng hóa, góp phần giảm áp lực cung ứng thực phẩm cho các kênh phân phối ở TP.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trước nhu cầu về địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu không chỉ cho TP HCM mà cả các địa phương khác, Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT đã đề xuất TP HCM mở lại một số chợ truyền thống và các chợ đầu mối.
"Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, bước 1 chúng ta nên mở một số địa điểm ở các chợ đầu mối để trung chuyển hàng hóa nhằm giảm tải cho các siêu thị. Qua khảo sát thực tế cả 3 chợ đầu mối đều có địa điểm đáp ứng nhu cầu này nên chúng tôi kiến nghị TP HCM sớm mở ra các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa này với điều kiện phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch Covid-19" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu ý kiến.
Thời điểm bình thường (không có dịch Covid-19), mỗi ngày 3 chợ đầu mối này tiếp nhận và phân phối khoảng 8.500-9.000 tấn hàng hoá, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây… Trong đó, 1 phần sản lượng được trung chuyển, đưa đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ.