vĐồng tin tức tài chính 365

Muôn kiểu mạo danh gọi điện thoại doạ dẫm, lừa tiền

2021-07-25 03:34

Chiều 23/7, anh Ngọc Thành ở Hà Nội, bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy 2367387xxx thông báo anh đang có một biên lai phạt nguội nhưng chưa đến cơ quan chức năng để xử lý. Ở đầu dây bên kia, một người đàn ông đề nghị anh đọc số chứng minh thư nhân dân để xác minh.

Những ngày gần đây, anh Thành cũng liên tục di chuyển bằng ôtô trên nhiều cung đường khác nhau nên phần nào tin đây là cuộc gọi từ tổng đài. Sau khi đọc số chứng minh thư, "tổng đài viên" nói sẽ chuyển xuống bộ phận kho kiểm tra biên lai phạt nguội. Sau chừng 5 giây, anh Thành nhận thấy nhiều bất minh nên tắt máy với mục đích để gọi lại nhưng phát hiện số máy không có thực.

Những người bị giống anh Thành trong thời gian gần đây không ít nên Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo. Cục khẳng định các trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật cảnh sát sẽ gửi văn bản thông báo đến chủ phương tiện, đề nghị đến trụ sở làm việc. Các đơn vị cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm qua điện thoại, và cũng không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.

Trong một sự việc khác ở Thái Nguyên, trưa 16/7, anh Minh đang ăn cơm cùng gia đình thì nhận được điện thoại từ số lạ tự giới thiệu là nhân viên điện lực thành phố. Đầu bên kia, nhân viên giọng nam hỏi anh về tình hình đường điện, chỉ số dùng trong ba tháng gần nhất. Khi anh Minh nói không nhớ chính xác, "nhân viên" lập tức cung cấp số tiền làm tròn của từng tháng.

Người này sau đó thông báo tháng vừa qua, gia đình anh Minh sử dụng điện sai mục đích, gây thất thoát cho nhà nước số tiền rất lớn; yêu cầu anh nộp 63 triệu đồng tiền điện truy thu, nếu không sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ cho công an xử lý hình sự. "Nhân viên điện lực" không ngừng dặn anh Minh không được trao đổi với người thân xung quanh để tránh làm lộ thông tin vụ án.

"Không muốn bị rắc rối vì trước sau gì cũng phải nộp nên tôi làm theo yêu cầu chụp ảnh chứng minh thư hai mặt gửi cho chúng. Khi chuẩn bị chuyển tiền theo hướng dẫn thì sực nhớ vừa thanh toán tiền điện tháng vừa rồi hôm 10/7. Người ở đầu bên kia vẫn liên tục thúc giục và đe doạ nhưng tôi không làm theo, tắt luôn điện thoại", anh Minh kể.

Người dân không nên tin những lời, đe doạ qua mạng. Ảnh: Straitstimes

Người dân không nên tin những lời, đe doạ qua mạng. Ảnh: Straitstimes

Đây chỉ hai trong rất nhiều trường hợp bị lừa đảo qua điện thoại trong thời gian gần đây. Một người khác ở Hà Nội, trong hai tuần liền bị bốn tài khoản mạng xã hội khác nhau nhắn tin thông báo trúng thưởng thẻ cào điện thoại, máy hút bụi, bếp từ. Kẻ gian hướng dẫn để làm thủ tục nhận quà phải nạp tiền theo hướng dẫn để "nhân viên bưu điện chuyển quà tới".

Trước những chiêu trò lừa đảo nở rộ giữa mùa dịch, Công an Hà Nội khuyến cáo kẻ gian thường kết bạn làm quen trên mạng xã hội sau đó nhờ chuyển tiền để nhận quà; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án để gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài khoản; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo người thân, bạn bè của chủ tài khoản; nhắn tin trúng thưởng để đánh vào lòng tham nạn nhân, đề nghị họ chuyển tiền để được nhận quà;...

Công an Hà Nội cho hay gần đây kẻ gian không ngừng lợi dụng tình hình Covid- 19 diễn biến phức tạp để thực hiện các hành vi phạm tội. Chúng đều sử dụng thủ đoạn cũ nhưng lợi dụng nội dung, thông tin dịch bệnh, đánh vào tâm lý hoang mang, lo sợ lây nhiễm khiến người dân mất cảnh giác.

Một mánh phổ biến là mạo danh là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư điện tử cho nạn nhân. Kèm theo đó là các liên kết yêu cầu bị hại cập nhật tình hình Covid-19 để lấy cắp thông tin cá nhân.

Một nhóm khác sử dụng các bẫy lừa đảo đầu tư, hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi "bỏ tiền" vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến Covid-19. Chúng tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại nhìn giống như các app phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch bệnh. Khi mở các tập tin đính kèm hay ấn vào liên kết này, người dùng sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật hoặc chi tiết tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng.

Phạm Dự

Xem thêm: lmth.7798234-neit-aul-mad-aod-iaoht-neid-iog-hnad-oam-ueik-noum/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Muôn kiểu mạo danh gọi điện thoại doạ dẫm, lừa tiền”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools