Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/7, xuất khẩu linh kiện ô tô, phương tiện của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 5,9 tỷ USD, trong đó linh kiện ô tô chiếm 3,7 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu linh kiện ô tô đạt của Việt Nam đạt hơn 2,8 tỷ USD.
Điều đáng nói, Việt Nam là đối tác xuất khẩu linh kiện với nhiều cường quốc sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Đức.
Bình quân mỗi năm, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam xuất khẩu từ 4 đến 5 tỷ USD linh kiện ô tô. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất sang Nhật hơn 1,3 tỷ USD hàng linh kiện ô tô, sang Mỹ là gần 1,1 tỷ USD, sang Trung Quốc và Thái Lan hơn 230 triệu USD, sang Hàn Quốc là hơn 330 triệu USD và Đức là hơn 74 triệu USD.
Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, phần lớn linh kiện ô tô xuất khẩu của Việt Nam là hợp đồng gia công giữa các doanh nghiệp toàn cầu với các công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Tất cả mã hàng đều là hàng được gia công, sản xuất theo đơn hàng độc quyền. Cung ứng chủ yếu là thiết bị điện, săm lốp, thuộc da, sơn... những sản phẩm giá trị gia tăng không cao.
Một số mã xuất khẩu là khung sườn xe xuất sang các nước ASEAN, như trường hợp của ô tô Trường Hải, TMT.
Về nhập khẩu linh kiện, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập 4 - 6 tỷ USD để phục vụ các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe hơi trong nước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là động cơ, khung sườn xe, trục, sơn, hệ thống điện, chip, bảng mạch...
Thông thường, giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam thường gấp 1,5 - 2 lần giá trị nhập khẩu linh kiện ô tô mà các doanh nghiệp Việt nhập về. Tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu linh kiện xe hơi vẫn thuộc về các doanh nghiệp 100% vốn ngoại, rất ít doanh nghiệp tư nhân hoặc liên doanh ô tô tại Việt Nam hiện nay xuất khẩu được linh phụ kiện ô tô.
Việc xuất đi rồi lại nhập về các linh kiện ô tô cho thấy độ vênh trong chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc, linh kiện độc quyền của các hãng như động cơ, hộp số, khung sườn, sơn... Đây là những bộ phận quan trọng hàng đầu và có giá trị gia tăng cao. Các hãng như Toyota, Honda, Hyundai vẫn sản xuất ở chính quốc ở Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm giữ bí mật công nghệ, ít khi chuyển giao cho nước thứ 3.
Trong khi đó, tại Việt Nam, do các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô có cả các công ty liên quan đến Toyota, Honda... đều chỉ được đặt hàng hoặc có năng lực sản xuất các linh kiện đơn giản, nên giá trị gia tăng thấp.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, các sản phẩm như sơn, đệm ghế, thuộc da, hay dây điện ô tô, hiện Việt Nam đã sản xuất được. Sản phẩm cao hơn là hệ thống khung gầm tiêu chuẩn, body xe cũng được các doanh nghiệp làm tốt, tuy nhiên thép chất lượng cao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. So về lợi thế so sánh, Việt Nam không có lợi khi xuất khẩu các mặt hàng này.
"Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đủ năng lực và trình độ sản xuất được sản phẩm chuyên sâu, máy móc trình độ cao. Tuy nhiên, phải có thị trường, thời gian dài vừa qua các hãng xe Nhật, Hàn đều sản xuất theo chuỗi và các công ty trong chuỗi không mua sản phẩm doanh nghiệp "sân ngoài". Hy vọng một số doanh nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay đã mua đứt công nghệ, dây chuyền và sáng chế từ nước ngoài để có thể xây dựng chuỗi sản xuất trong nước, từ đó hình thành thị trường và chuỗi sản xuất mới cho ngành xe hơi trong nước", ông Đồng khẳng định.
VTV.vn - Tỉnh ủy Hải Dương mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất ô tô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!