Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại cuộc họp trực tuyến về việc sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19 trong nước mới đây, Việt Nam đã triển khai tích cực chiến lược vaccine, bao gồm nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vắc xin để có nguồn vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước; tiến hành chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho toàn dân.
Xa hơn, Thủ tướng nhấn mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược vắc xin, để có thể độc lập, tự chủ, tự lực tự cường và không phụ thuộc mãi vào nguồn cung bên ngoài.
Sắp tới có 4 vắc xin Covid-19 sẽ được sản xuất tại Việt Nam, trong đó có 2 sản phẩm vắc xin nội địa và 2 sản phẩm Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ.
Có tiến độ nhanh nhất đang là Nano Covax. Vắc xin này dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ đăng ký đệ trình các hội đồng xem xét, thẩm định cấp phép khẩn cấp dự kiến vào khoảng thời gian từ ngày 15/8 - 20/8.
Tiếp theo là Covivax, do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang nghiên cứu sản xuất, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và ĐH Y Hà Nội nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến ngày 27/7 sẽ có kết quả đánh giá về tính sinh miễn dịch, ngày 30/7 nhóm nghiên cứu sẽ nộp báo cáo giữa kỳ để chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Bên cạnh việc sản xuất vắc xin được nghiên cứu trong nước, các doanh nghiệp Việt cũng đang rất quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ vắc xin. Tập đoàn Vingroup hiện đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Hoa Kỳ.
Dự kiến tháng 8/2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 - 200 triệu liều/năm.
Công ty AIC và Công ty Vabiotech cũng đã ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine do Nhật Bản nghiên cứu. Dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.
Riêng đối với việc chuyển giao công nghệ vắc xin, ông Nguyễn Đức Khương PGĐ phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris), & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) nhận định rằng, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam:
"Ý tưởng về việc doanh nghiệp trong nước có thể tự sản xuất vắc xin tại Việt Nam cho các đối tác nước ngoài để dần dần chúng ta có được dây chuyền công nghệ là một hướng đi đúng".
Chuyên gia này cho rằng, cái khó của công nghệ chế tạo vắc xin là công thức, nếu như chúng ta có được dây chuyền thì chúng ta có thể sản xuất bất kì loại vắc xin nào.
Ông cũng nhận định rằng, nhiều đơn vị không muốn phụ thuộc vào dây chuyền tại một số quốc gia nhất định, nên nếu Việt Nam có thể sở hữu dây chuyền công nghệ đó, chúng ta sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị vắc xin.
Cơ hội này có thể đến với Việt Nam là do các quốc gia phát triển đang định hình lại các chuỗi sản xuất của họ. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy Việt Nam có khả năng tham gia vào chuỗi vắc xin, có thể tự sản xuất ra vắc xin cho mình.
Có thể coi đây là một điểm sáng trong định hướng chính sách của Việt Nam và cũng là một minh chứng về năng lực của Việt Nam trong việc thuyết phục đối tác nước ngoài.
Không chỉ ông Khương, các chuyên gia y tế cũng đồng tình rằng, chuyển giao công nghệ vắc xin sẽ là một cơ hội lớn đối với Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ vắc xin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết.
Khi đó, Việt Nam có thể chủ động sản xuất vắc xin phục vụ nhu cầu trong nước cũng như cung cấp cho thế giới. Từ đó tiến tới tăng độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, giúp ổn định đời sống kinh tế - xã hội.
"Trước bối cảnh cả thế giới đang "khát" vắc xin phòng Covid-19, các nhà sản xuất cần mở rộng, nâng cao năng suất của mình. Việt Nam cũng có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới cùng hợp tác...", ông Trần Đắc Phu đánh giá.
Hoàng An
Tri thức trẻ