Mười ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo, Kara Lawson, huấn luyện viên đội bóng rổ nữ 3x3 của Mỹ có một cuộc họp báo tại quê nhà trước khi họ lên đường tới Nhật Bản. Đây là lần đầu môn thể thao mới này góp mặt tại một kỳ Olympic và Lawson, một cựu cầu thủ WNBA, huấn luyện viên tại Đại học Duke, nói với hàng chục phóng viên tham dự trực tuyến rằng cô ấy thích điều đó.
Những trận bóng rổ nửa sân 3 đấu 3 sẽ có nhịp độ nhanh và khó đoán hơn nhiều so với phiên bản 5 đấu 5. Đội tuyển Mỹ chắc chắn sẽ chơi hết mình để cống hiến cho khán giả và đem vinh quang về cho nước nhà.
Nhưng trong kỳ Thế vận hội được tổ chức giữa một đại dịch toàn cầu, Lawson nhấn mạnh sức khỏe của các cầu thủ mới là ưu tiên số một của cô và cả đội.
"Ngày nào chúng tôi cũng phải xét nghiệm. Ngay lúc này tôi thực ra cũng đang phải cách ly trong phòng của mình", Lawson nói. "Chúng tôi đeo khẩu trang 24/7… nếu có ai đó dương tính ở thời khắc quyết định này thì sẽ thật khó khăn cho cả đội khi đã sẵn sàng lên đường đến Tokyo".
"Bây giờ, chúng tôi đang tập trung hết sức vào công việc của mình, không chỉ để có những trận đấu tốt, mà còn để đảm bảo chúng tôi có trách nhiệm đối với những vận động viên khác và toàn thể thế giới. Chúng ta phải thông minh để ngăn chặn sự lây truyền của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu".
Thế nhưng chưa đầy một tuần sau cuộc họp báo, một trong những cầu thủ của Lawson — Katie Lou Samuelson thông báo trên Instagram rằng cô ấy đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, và sẽ không thể đến Tokyo.
Cũng giống như một trận đấu bóng rổ nửa sân 3x3, đại dịch COVID-19 toàn cầu đang diễn ra với nhịp độ nhanh và không thể đoán trước được. Chưa tới ngày khai mạc, Samuelson đã là 1 trong 91 vận động viên tham dự Thế vận hội Tokyo 2020 dương tính với COVID-19. Một số người thậm chí đã có mặt ở Nhật Bản.
Khi Thế vận hội được tổ chức trong lòng một đại dịch
Tinh thần của Thế vận hội từ trước đến nay được cho là có thể vượt qua mọi trở ngại. Đã có những Thế vận hội được tổ chức trong chiến tranh mà khi diễn ra, tất cả các bên được kêu gọi ngừng bắn để đội tuyển thể thao của họ có thể so tài trên sân bóng hoặc trên đường chạy với tinh thần hòa bình của Olympic.
Nhưng một Thế vận hội có thể vượt qua được đại dịch hay không? Chúng ta không thể ký các hiệp ước với virus và nói với chúng hãy tạm ngừng lây lan để con người đá bóng và cử tạ. Dịch bệnh hiện đã giết chết 4 triệu người trên hành tinh và lây nhiễm gần 200 triệu người tại tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Giữa bối cảnh đó, Olympic Tokyo 2020 sẽ tạo ra một cuộc tụ họp quy mô nhất trong đại dịch, với 15.000 vận động viên đến từ 200 quốc gia và sẽ ở lại Nhật Bản trong 2 tuần. Để có thể thi đấu, một số môn thể thao là đồng đội, không thể tránh khỏi tiếp xúc gần. Đôi khi có các môn thể thao được tổ chức trong nhà và trong đa số các trường hợp vận động viên không thể đeo khẩu trang để thi đấu.
Đã có không ít các cuộc tụ họp xuyên lục địa trở thành điểm khởi nguồn cho các thảm họa dịch bệnh trong lịch sử. Chẳng hạn như năm 1867, một đợt bùng phát dịch tả bắt đầu tại Kumbh Mela ở Ấn Độ, thánh đường tôn giáo lớn nhất thế giới. Nó lan rộng từ bờ sông Hằng sang Nga và Châu Âu. Một triệu người đã chết.
Trong những năm qua, cuộc hành hương Hajj đã là nơi bùng phát nhiều đợt dịch bệnh đường hô hấp, bao gồm cả bệnh cúm và các chủng corona có trước đại dịch COVID-19. Vào năm 2014, đã có những đợt bùng phát dịch sởi tại Triển lãm chó quốc tế ở Slovenia và ở Disneyland.
Nhưng dường như lịch sử dịch bệnh đang buông tha các sự kiện Olympic, ngay cả khi Thế vận hội được tổ chức trong các đợt dịch lớn. Năm 2010, cúm H1N1 đã không gây hại cho Thế vận hội mùa đông ở Vancouver. SARS và MERS không lây lan trong Thế vận hội London vào năm 2012, và Zika không lây lan trong kỳ Olympic ở Rio vào năm 2016.
Tuy nhiên, COVID-19 bây giờ là một câu chuyện rất khác. Virus SARS-CoV-2 với các biến chủng có độ lây lanh nhanh và mạnh của nó đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với Nhật Bản trong việc đảm bảo an toàn cho các vận động viên, bản thân người dân của họ và cả thế giới khi Thế vận hội kết thúc và các vận động viên trở về nhà.
Đó cũng chính là những lo ngại khiến Ủy ban Olympic quốc tế và Ban tổ chức Tokyo đã quyết định hoãn Thế vận hội vào năm 2020 và rời nó lại một năm sang năm 2021.
Các biện pháp an toàn đã được lên kế hoạch như thế nào?
Với thêm một năm để chuẩn bị cho Thế vận hội, Nhật Bản đã tập hợp một nhóm cố vấn bao gồm các chuyên gia y tế cộng đồng, chuyên gia y tế, dịch tễ, y học, kinh tế, các nhà khoa học hành vi và thậm chí nhóm thiết kế khuôn viên chủ đề cho Olympic để lập kế hoạch để tổ chức và kế hoạch y tế.
Brian McCloskey, một trong những chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã tham gia vào đó. Ông chính là người chịu trách nhiệm chính về vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Thế vận hội London năm 2012.
"Về cơ bản, các biện pháp sức khỏe cộng đồng trong bất kỳ sự kiện nào cũng đều giống nhau. Bạn phải xác định được rủi ro là gì và bạn cần phải làm gì để đối phó với chúng", McCloskey nói.
Nhóm cố vấn đã xác định các biện pháp thực hành y tế cộng đồng cơ bản như rửa tay, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập sẽ vẫn có tác dụng trong điều kiện tổ chức Thế vận hội. Phương án yêu cầu 100% vận động viên phải tiêm vắc-xin đã được cân nhắc, nhưng rồi nó bị loại bỏ.
Đó là bởi không phải vận động viên ở quốc gia nào cũng có thể tiếp cận được với vắc-xin công bằng như nhau. Yêu cầu 100% người phải tiêm vắc-xin COVID-19 mới được tới Nhật Bản lúc này là đi ngược lại tinh thần của Thế vận hội.
"Chúng tôi không muốn họ phải cạnh tranh vắc-xin với nhân viên y tế và người dân địa phương", McCloskey nói. Hơn nữa, nhóm cố vấn đã xác định các biện pháp trước khi có vắc-xin vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 lây nhiễm.
Tại một cuộc họp báo chỉ vài ngày trước khi Thế vận hội khai mạc, McCloskey đã mô tả các biện pháp phòng dịch mà ông và các chuyên gia khác đã thiết lập là một hệ thống nhiều lớp lọc. Các vận động viên sẽ được xét nghiệm trước khi họ rời khỏi đất nước để tới Tokyo và một lần nữa mỗi ngày trước khi thi đấu.
Họ sẽ tuân theo các quy tắc giãn cách xã hội, các biện pháp can thiệp phi dược phẩm của năm 2020, trong thời kỳ chưa có vắc-xin COVID-19. Và nếu ai đó nhận được kết quả dương tính với COVID-19, họ sẽ tiếp tục được xét nghiệm sâu, bao gồm một loại PCR siêu nhạy để xem tải lượng virus của họ cao hay thấp. Con số sau đó sẽ giúp xác định mức độ rủi ro của những người mà họ có thể đã tiếp xúc.
Các nhân viên phục vụ Thế vận hội sẽ theo dõi sát các mối quan hệ và tiếp xúc của vận động viên, một phần bằng cách sử dụng các biểu mẫu được phát về các đội tuyển, trong đó, mỗi vận động viên sẽ điền trước để biết ai thân thiết với ai.
Số lượng vận động viên ở chung trong Làng Olympic cũng bị hạn chế. Nhật Bản đã thiết kế các phòng ở và khu vực sinh hoạt chung có thông gió tốt, lắp thêm các tấm chắn nhựa. Nhìn chung, vận động viên được yêu cầu không ra ngoài để tiếp xúc với người dân địa phương ở Nhật Bản.
"Bạn sẽ không gặp vận động viên Olympic nào trên tàu điện ngầm Tokyo", McCloskey nói.
Các chuyên gia lo ngại như vậy là chưa đủ, Olympic có thể giúp virus "siêu tiến hóa"
Vào thời điểm Nhật Bản có được quyền đăng cai Thế vận hội 2020, họ dự kiến sẽ đón 20 triệu lượt khán giả đến Tokyo. Nhưng đại dịch đã diễn ra và Thế vận hội lần này sẽ không có khán giả. Chỉ có 15.000 vận động viên, tính thêm phóng viên quốc tế và nhân viên phục vụ Olympic sẽ có mặt.
Trước ngày khai mạc Thế vận hội, ít nhất 91 người trong số họ đã có kết quả dương tính với COVID-19. Nghe thì tỷ lệ có vẻ không cao, nhưng một số chuyên gia dịch tễ nói rằng đó đã là một con số đáng lo ngại.
Hitoshi Oshitani, nhà virus học cố vấn cho chiến lược chống COVID-19 của Nhật Bản nói với tờ The Times of London rằng ông không nghĩ Thế vận hội lần này sẽ an toàn.
"Một số quốc gia bây giờ vẫn chưa ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 và một số quốc gia vẫn chưa có biến thể virus. Chúng ta không nên biến Thế vận hội thành [một dịp] để lây lan virus sang các quốc gia này. Đối với những nước như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh thì rủi ro là nhỏ, bởi dân số của họ đã được tiêm chủng. Nhưng nó sẽ là rủi ro lớn với hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa tiêm đủ vắc-xin".
McCloskey ước tính khoảng 85% vận động viên và khách quốc tế đến Tokyo đã được tiêm chủng. Nhưng đối với bản thân người dân Nhật Bản, con số lúc này chỉ khoảng 22%. Đó là một trong những tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp nhất trong số các nước giàu có.
Nếu tính đến số ca nhiễm COVID-19 tương đối thấp ở Nhật Bản, điều này nghĩa là hầu hết dân số của họ chưa có kháng thể chống lại virus. Nhật Bản đang rất dễ bị tổn thương, và họ có thể trở thành nạn nhân trong chính kỳ Thế vận hội diễn ra ở nước mình.
"Rõ ràng tổ chức Thế vận hội lần này là một lần đặt cược lớn", Samuel Scarpino, giám đốc điều hành giám sát mầm bệnh tại Viện Phòng chống Đại dịch của Quỹ Rockefeller, cho biết. "Bởi vì chắc chắn sẽ rất rủi ro khi tập hợp mọi người lại với nhau bên trong một quốc gia về cơ bản chưa tiêm chủng và chưa có miễn dịch trong dân số".
Mọi chuyện thậm chí chưa dừng lại. Một quần thể chưa miễn dịch và tập hợp hàng chục ngàn người đổ về từ khắp nơi trên thế giới không chỉ có khả năng tạo ra một sự kiện siêu lây nhiễm ở Thế vận hội Tokyo 2020, mà nó có thể biến sự kiện này thành một lò ấp hoặc phát tán các biến thể mới của COVID-19.
Sarah Cobey, một nhà dịch tễ học và nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Chicago cho biết thảm họa đó nếu nó xảy ra sẽ bắt đầu từ những sinh thể virus rất nhỏ, chúng xuất hiện bên trong một tế bào người, một vận động viên nào đó không may bị nhiễm COVID-19.
"Tất cả sự lây lan như vậy không chỉ thúc đẩy các trường hợp mới mà còn cả sự thích nghi, bao gồm cả sự di chuyển của các biến thể phù hợp với các quần thể mới", cô nói. Những biến chủng COVID-19 được đem từ một quốc gia tới Nhật Bản, sau đó từ Nhật Bản trở về một quốc gia khác có thể trở nên nguy hiểm hơn so với những gì mà biến thể này thể hiện ở quốc gia ban đầu.
Nói cách khác, vấn đề không chỉ đơn thuần là một người nào đó lây nhiễm cho người khác, hoặc thậm chí rất nhiều người khác. Olympic lần này còn tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 tiến hóa và xâm lấn. Nó sẽ được cung cấp phương tiện, người và máy bay, để di chuyển đến các quần thể mới, ở các quốc gia mới, nơi chúng thậm chí có thể nguy hiểm hơn so với ở ngôi nhà cũ của mình.
Và đây là tình huống xấu nhất trong tất cả các tình huống xấu có thể xảy ra, Scarpino nói. Virus có thể trải qua không chỉ một sự kiện siêu lây nhiễm, mà còn là một "sự kiện siêu tiến hóa". Trong đó, SARS-CoV-2 có thể làm quen với một lượng lớn người được chủng ngừa các loại vắc-xin khác nhau và có được sức đề kháng với tất cả các loại vắc-xin mà chúng ta đang sử dụng để chống lại đại dịch.
"Tất cả những người có các trạng thái miễn dịch khác nhau và tiếp xúc khác nhau với các chủng virus khác nhau có thể tạo ra một sự kiện di truyền đáng sợ. Nó nhại lại tinh thần hợp tác quốc tế của Olympic (nhanh hơn, cao hơn, xa hơn), khi các biến thể virus cũng có thể có một cuộc trao đổi tự do và cởi mở, để tìm ra cách lây nhiễm nhanh hơn, nhiều hơn, chết người hơn và kháng vắc-xin hơn", Scarpino nói.
Mọi thang xác suất đều có hai cực trị. Kết quả tốt nhất mà bất cứ ai cũng hy vọng vào thời điểm này là Thế vận hội năm nay sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, với các chương trình sàng lọc và biện pháp chống dịch được áp dụng đem lại kết quả tốt.
Nhưng trên thái cực còn lại, các chuyên gia lo lắng chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến một sự kiện siêu tiến hóa của virus SARS-CoV-2 tại Tokyo, một sự kiện vô hình trong các cuộc thi đấu trên tivi. Sau đó, một biến thể COVID-19 mạnh hơn sẽ xuất hiện và nó sẽ được đưa lên hàng trăm chiếc máy bay phản lực, hướng về mọi ngóc ngách của hành tinh khi các vận động viên trở về nhà.
Kịch bản nào cũng có thể xảy ra, giống với kỷ lục nào cũng có thể bị phá vỡ trong một kỳ Thế vận hội. Chúng ta không thể biết chắc, cho đến khi nó thực sự xảy ra, hoặc là không sau khi Thế vận hội năm nay kết thúc.
Tham khảo Wired , Forbes
Thanh Long
Pháp luật và bạn đọc