Tại các cuộc họp trực tuyến với địa phương trên cả nước để tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhiều lần nhắc các tỉnh phải bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế để áp dụng thống nhất trong kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa.
Mới đây nhất, tại cuộc họp chiều 23-7, người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu các địa phương khác trên cả nước khi áp dụng các quy định phòng chống dịch có ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, cần phải có “dự lệnh”, thông báo, tuyên truyền rộng rãi trước để các đối tượng liên quan biết và chủ động thực hiện.
Các xe được yêu cầu quay đầu trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: V.LONG
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, khi các tỉnh áp dụng chỉ thị 16, đặc biệt mới đây nhất là Hà Nội thì mọi chuyện vẫn “rối hơn tơ vò”.
Quyết định giãn cách xã hội ở Hà Nội được ban hành tối 23-7 thì 6 giờ sáng 24-7 có hiệu lực. 22 chốt kiểm soát xe ra vào thành phố được lập khiến các cửa ngõ bị ùn tắc, nhiều lái xe tỏ ra bức xúc vì không biết chuyện gì đang xảy ra.
Anh Nguyễn Ngọc Tính, lái xe đường dài chở hoa quả từ Vĩnh Long ra Hà Nội, cho biết đang đi trên đường nên không nắm thông tin Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16. Sáng sớm đến đây, dù đã có đầy đủ giấy xét nghiệm COVID-19 nhưng vẫn bị yêu cầu quay xe vì chưa đăng ký “luồng xanh”. “Quay đầu như này thì hoa quả hư hết, đi cả mấy ngàn cây số” – nam tài xế lo lắng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng hàng quá cảnh đều được quy định cung đường từ trước, do Hải Quan duyệt và gắn thiết bị theo dõi, không thể đi lệch lộ trình, nếu không bị xử phạt.
Tuy nhiên, việc đăng ký luồng xanh qua TP Hà Nội cũng gặp khó khăn vì hai đường dây nóng của Sở GTVT Hà Nội luôn báo “bận” hoặc không ai nghe máy; đăng ký luồng xanh qua mạng thì màn hình luôn trong trạng thái “xoay vòng”.
Đặc biệt là đến đến 4 giờ 30, ngày 24-7 trên trang web của Sở GTVT Hà Nội mới công bố luồng xanh của tỉnh để kết nối với luồng xanh của Tổng cục Đường bộ xây dựng từ trước. Đây rõ ràng là sự thiếu chủ động xây dựng phương án của địa phương, khiến việc vận chuyển hàng hóa bị ách tắc trước cửa ngõ thủ đô và người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất đó là doanh nghiệp.
Để hạn chế những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, các tỉnh cần xây dựng, thông báo sớm phương án tổ chức giao thông và các giấy tờ cần thiết sẽ kiểm tra tại chốt kiểm dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông trước khi địa phương dự định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Từ đó giúp người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, chủ động lập kế hoạch giao thông vận tải cho mình.
Nếu các địa phương tiếp tục để tình trạng “nước đến chân mới nhảy” thì ùn tắc hàng hóa khó được giải quyết, và nguy hiểm hơn là thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân. Đặc biệt khó thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.