Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh không đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong việc cứu vãn mối quan hệ song phương đang rơi tự do, đặc biệt là sau khi nước này áp đặt lệnh trừng phạt lên sáu quan chức và một thực thể Mỹ hôm 23-7, ngay trước thềm cuộc gặp.
Tại sao lại là Thiên Tân?
Bà Sherman sẽ không thể đến Bắc Kinh vì hiện tại TP này hiện đang đóng cửa đối với du khách nước ngoài. Theo đó, bà sẽ ở tại TP Thiên Tân và được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong tiếp đón.
Ông Wu Xinbo - Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc - cho biết lý do lựa chọn Thiên Tân làm địa điểm tổ chức cuộc họp là thiên về địa lý hơn là chính trị.
Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
“Các quan chức Trung Quốc có thể dễ dàng đi từ Bắc Kinh đến Thiên Tân. Bà Sherman cũng sẽ dễ dàng đi từ Mông Cổ đến Thiên Tân” - ông cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết họ chọn Thiên Tân vì đã cân nhắc “các quy định cách ly phòng dịch và do Thiên Tân gần với Bắc Kinh". Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sự lựa chọn này có thể phản ánh một cách tiếp cận mới đối với ngoại giao của Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc tổ chức các cuộc gặp mặt cấp cao bên ngoài Bắc Kinh rất có thể là đang đáp lại "sự ưu ái" của Mỹ, khi Washington đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung hồi tháng 3 tại bang Alaska cách xa trung tâm hành chính của họ.
Hầu hết các chuyến bay quốc tế đến Bắc Kinh vẫn đang được hướng đến các thành phố khác, nơi du khách sẽ được cách ly trước khi vào Bắc Kinh.
Kể từ sau đại dịch, các quan chức Trung Quốc đã chuyển hầu hết các hoạt động ngoại giao ra khỏi thủ đô. Chẳng hạn, ông Vương Nghị đã tiếp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Quảng Tây vào tháng 3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong ở tỉnh Phúc Kiến vào tháng 4, các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Âu tại Quý Châu vào tháng 5, và các nhà ngoại giao hàng đầu của ASEAN tại Trùng Khánh vào tháng 6.
Không kỳ vọng quá nhiều vào cuộc gặp
Theo SCMP, chuyến thăm Trung Quốc của bà Sherman đã được hai bên xác nhận sau khi vấp phải nhiều bất đồng về các giao thức ngoại giao. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc dự định để ông Tạ Phong và ông Vương Nghị đón tiếp bà Sherman, nhưng Washington hy vọng bà có thể tiếp cận nhiều hơn với các quan chức thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Wendy Cutler - Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á - cho biết không nên quá kỳ vọng vào cuộc gặp này, song cho rằng đây là bước quan trọng đầu tiên trong việc khôi phục các kênh liên lạc cấp cao giữa hai bên và mở khả năng có thể diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Tập bên lề cuộc họp G20 sắp tới.
Theo ông Sourabh Gupta - chuyên viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ có trụ sở tại Washington, có thể có tiến bộ trong việc hiểu ý định của nhau trên một số khía cạnh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Đài Loan và Biển Đông.
Theo ông, khi Washington cử cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Dodd và các cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg tới Đài Loan hồi tháng 4, Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell đã thể hiện “rất rõ ràng rằng ông ấy sẽ không thay đổi chính sách về Đài Loan”.
Ông Zhiqun Zhu - Chủ nhiệm khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell - nhận định rằng cuộc gặp diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa hai bên trên khu vực Thái Bình Dương là một khởi đầu tốt.
“Cuộc gặp này diễn ra sau một số cuộc đàm phán căng thẳng cho thấy hai bên muốn thúc đẩy mối quan hệ về phía trước và giải quyết các mối quan ngại nghiêm trọng” - ông nói.