Khánh Hà sắp xếp quần áo trong shop của mình tại Đà Lạt - Ảnh: DIỆU QUÍ
Từ mẫu ảnh đắt show, quản lý studio
Chiều Đà Lạt se lạnh, ngồi trong căn phòng là một trong hai nơi kinh doanh tại thành phố sương mù, Trần Khánh Hà (sinh năm 1996, quê Quảng Ninh) nhìn ra con dốc trước nhà, chậm rãi nhớ lại hành trình đã đi mà cô cho là bằng tất cả những gì tuổi trẻ cho mình.
Khánh Hà từng là gương mặt quen thuộc với người trẻ Sài Gòn, xuất hiện trong các bộ ảnh của nhiều cửa hàng thời trang có tiếng những năm 2014, 2015. Đồng thời, cô còn làm quản lý studio cho một người bạn chuyên chụp ảnh cưới, chụp cho các tạp chí, thời trang.
Thời điểm đó, công việc của Hà rất tốt, thu nhập khá cao đối với người cỡ 18 - 19 tuổi như cô. Ngoại hình đẹp, biết cách tạo dáng, Hà được nhiều shop quần áo "chọn mặt gửi vàng".
"Tôi chụp 300.000 đồng/bộ, mỗi shop chụp từ 10 bộ trở lên, có những ngày tôi nhận làm mẫu cho 3 - 5 shop. Một tháng 30 ngày tôi đều đi chụp đủ 30 ngày, cộng thêm làm ở studio nên thu nhập cao lắm. Thời đó tôi kiếm trung bình từ 50 - 60 triệu đồng/tháng" - Hà nói và cho biết để có mức thu nhập là niềm ao ước của nhiều người, cô vắt kiệt sức và gần như không có thời gian riêng cho bản thân.
"5h sáng dậy makeup, 7h bắt đầu chụp đến chiều. Chiều về nhiều khi chưa kịp ăn lại đi chụp tiếp vì studio ở xa, sợ kẹt xe, trễ giờ của mọi người. Thường là chụp tới 7-8h tối, có khi tới 11h đêm mới xong, về đến nhà lại xử lý công việc trong studio như duyệt và gửi hình cho khách, lúc khác thì lên ý tưởng, theo khách đi chụp" - Hà nói.
Có thu nhập cao khi còn quá trẻ, nhưng sau thời gian cố gắng kiếm được nhiều tiền, Hà bắt đầu thấy mệt.
"Tôi mệt mỏi khi phải tiếp xúc khách hàng trong thời gian dài, nhiều khách khó, đòi hỏi những điều kiện khiến mình rất áp lực khi làm. Còn làm mẫu ảnh, nhìn lại những tấm hình sau khi hậu kỳ mà các nhãn hàng thời trang đã post lên, tôi thấy mình làm việc không hiệu quả nữa. Lúc đấy, tôi tự vấn bản thân, biết mình có thể làm tốt hơn nếu đừng nhận quá nhiều show" - Hà nhớ lại và sau đó cô quyết định dừng công việc mẫu ảnh cho shop thời trang và vẫn tiếp tục làm ở studio.
Sau đó, Hà thấy mình không còn nhiệt huyết với công việc này, áp lực khiến cô không thể tập trung làm tốt. Khoảng thời gian này, Hà hay lên Đà Lạt chơi và đôi lần dự tính sẽ kinh doanh gì đó ở đây, đồng thời vẫn tiếp tục làm ở TP.HCM vì "lúc đấy nó là công việc nuôi sống mình hằng ngày, bỏ là mình mất thu nhập". Nhưng rồi mọi thứ đến với cô như một cái duyên, cách mà Hà nói khi quyết định lập nghiệp tại thành phố sương mù.
"Một lần lên Đà Lạt, tôi tình cờ gặp lại anh bạn cũ nói là đang làm thiết kế cho một homestay, mời tôi qua chơi. Khi nhìn thấy thì tôi phải trầm trồ, cực kỳ thích luôn" - Hà cho biết cô chỉ dành một ngày suy nghĩ rồi về Sài Gòn xử lý hết công việc của studio, thanh lý đồ đạc rồi dọn lên Đà Lạt trong sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè.
"Ai cũng bất ngờ và lo cho tôi khi đang ổn định ở Sài Gòn lại bỏ lên Đà Lạt kinh doanh thứ mà tôi là tay ngang, lại không quen biết ai. Có người bạn còn tuyên bố nghỉ chơi vì nói mà tôi không nghe" - cô gái khi ấy vừa 21 tuổi cũng hiểu quyết định táo bạo của mình, rằng khi bước đi sẽ khó trở lại như trước, nhưng cô chấp nhận.
Những ngày cocktail bar tạm ngưng hoạt động vì dịch giã, Hà chỉnh trang lại quán cũng là nơi cô ăn ngủ - Ảnh: DIỆU QUÍ
Lần đầu rơi vào bế tắc
Cuối năm 2016, gom hết tiền tiết kiệm, Hà và một người bạn lên Đà Lạt bắt đầu tìm đất thuê để mở homestay. "Trong hai tuần tôi đã thuê được mảnh đất khá rộng, view đẹp và ít ồn ào với giá khá OK thời điểm đó. Tôi nhờ anh bạn mà tôi đã gặp thiết kế homestay theo ý tưởng của mình. Sau đó mua nội thất về trang trí và chuẩn bị khai trương. Quá trình này mất vài tháng" - Hà cho biết.
Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp mới của Hà không phải toàn màu hồng, nó vẫn có dông bão như cô nhận xét. "Lúc chưa bắt đầu, tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều như lên Đà Lạt làm ăn nếu thất bại thì sao, có nên giữ lại một công việc ở Sài Gòn để có thể đi đi về về, hỗ trợ cho kinh doanh trên này hay không. Còn trẻ mà, chỉ biết là cứ làm đi, thất bại thì... thôi" - cô gái bây giờ đã là bà mẹ 25 tuổi có một con tâm sự.
Dù có số vốn tích lũy kha khá, nhưng chưa có sự tính toán kỹ khiến Hà rơi vào khó khăn như nhiều start-up khác: thiếu vốn. "Tôi chưa từng tự làm ăn riêng hay tự xây dựng kế hoạch cụ thể, cho nên bước vào làm thì chi phí đội lên khá nhiều so với dự tính ban đầu" - Hà cho biết khoản tiết kiệm của cô cùng người bạn hết sạch khiến cô lần đầu rơi vào bế tắc vì trước kia cô chưa từng đau đầu về tiền.
"Lúc đấy, tôi phải đi vay mượn khắp nơi, mượn được ai là tôi mượn hết, rồi cố gắng làm tất cả những việc có thể làm bằng chân tay để đỡ chi phí. Một số công việc quá sức với con gái thì tôi vẫn cố gắng, miễn sao có thể tiết kiệm được" - Hà nhớ lại khoảng thời gian khởi đầu khó khăn, song bù lại những thứ khác đều thuận lợi nên vẫn muốn tiếp tục.
May mắn sau đó, homestay hoạt động thuận lợi, doanh thu ổn định khoảng thời gian dịch chưa bùng phát mạnh. Nhưng thời gian sau, do có việc cá nhân nên Hà đã tách cổ đông và ra kinh doanh riêng.
Tích lũy được số vốn, giữa năm 2020 Khánh Hà mở cửa hàng thời trang dành cho giới trẻ, hơn nửa năm sau thêm một cocktail bar ra đời do Hà và người bạn ở Sài Gòn hùn hạp...
Sai sót thì sẽ học hỏi. Tôi vẫn làm việc hết sức mình nhưng với tâm trạng thoải mái, khi không ép bản thân thì sẽ xử lý việc nhanh và hiệu quả hơn.
TRẦN KHÁNH HÀ
Chưa bao giờ hối hận
Dịch giã khiến công việc làm ăn của Hà bị ảnh hưởng nhiều. Mấy lần Đà Lạt bùng dịch, shop quần áo chuyển sang bán online, quầy bar tạm đóng cửa, chi phí thuê hai mặt bằng, lương nhân viên, duy trì cửa hàng khiến Hà gặp khó khăn về tiền.
Nhưng cô gái 25 tuổi vẫn lạc quan, luôn tìm hướng đi mới và tin vào tương lai phía trước. Hà nhập quần áo về bán qua mạng, đến quầy bar cách đó 300m dọn dẹp, xem có cần sửa sang gì không, và cô ăn ngủ luôn tại đó. Thỉnh thoảng khi có thời gian, Hà sẽ nhận làm mẫu ảnh cho vài cửa hàng của người quen và kết hợp với các sàn thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm.
Trẻ tuổi và tay ngang bước vào kinh doanh mấy dịch vụ cùng lúc, nhưng nó không quá sức với Hà. Nhìn lại đoạn đường mình đã đi bằng sự liều lĩnh của tuổi trẻ, Hà cảm thấy biết ơn bản thân vì đã tốt hơn chính mình trước kia. Hà cũng cảm ơn cuộc đời cho cô trải từ cái sai đến cái đúng để có ngày hôm nay.
Giờ đây, tuy thu nhập không bằng những năm tháng làm người mẫu đắt show và quản lý studio ở thành phố, nhưng Hà rất hạnh phúc với con đường đang đi, cũng như chưa bao giờ hối hận.
"Kể cả khi đã làm hết sức mà vẫn không thành công, tôi cũng chẳng có gì tiếc nuối" - cô gái 25 tuổi mỉm cười, nhìn ngắm dòng xe lướt qua trên phố phường Đà Lạt.
Từng đi xin rau
Khoảng thời gian xây dựng homestay, Khánh Hà kể do thiếu tiền, mỗi ngày cô đều tự nấu cơm cho thợ ăn để không phải thuê người ngoài nấu. "Có những ngày đúng nghĩa trong túi chỉ còn 120.000 đồng, cầm chừng đấy tiền ra chợ mà không biết mua gì bồi bổ cho thợ của mình vì họ làm vất vả, nhìn rất thương. Vậy là tôi quyết định đi xin. Rau củ Đà Lạt khá rẻ, tôi ra chợ thấy trái bí hồng hồng chứ chưa chín hẳn thì xin về, đến hàng rau cũng nhờ người ta bán rẻ cho mình hoặc xin thêm rau, để dành tiền mua thịt và đậu hũ về cho thợ ăn" - Hà nhớ lại.
--------------------------------
Chàng trai 29 tuổi từng làm giảng viên, bác sĩ, nhưng nghỉ việc để "ra riêng", mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bận rộn.
Kỳ tới: Bỏ việc, mở dịch vụ... giảm béo
TTO - Mặc dù mới giới thiệu và đưa sản phẩm ra thị trường khoảng một năm nay, doanh thu sản phẩm nhãn sấy đã là 100 - 150 triệu đồng/tháng.