Sáng 25-7, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã chủ trì cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, số ca vẫn rất cao, có ngày hơn 5.000 ca, trung bình mỗi ngày 3.000 ca. Cho dù các biện pháp đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhưng với tính chất của biến chủng Delta, TP cần nhiều biện pháp hơn nữa, nghiêm hơn nữa để dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo ông Đức, thực hiện Chỉ thị số 12 của Thành ủy TP.HCM về tăng cường các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16, UBND TP.HCM cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo khẩn, kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc, siết chặt kỷ cương, có biện pháp cụ thể để cải thiện tình hình. Ở khu phong tỏa, các biện pháp càng phải thực hiện nghiêm hơn nữa, theo nguyên tắc chung là phải đảm bảo thật nghiêm giãn cách nhà với nhà, người với người, nội bất xuất, ngoại bất nhập, trừ trường hợp cấp cứu y tế.
Quang cảnh buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 sáng ngày 25-7. Ảnh: NN
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch TP, thời gian qua, thực tế vẫn ghi nhận có tình trạng người dân ở trong các khu phong tỏa không thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về cách ly. Số lượng ca F0 ở trong khu phong tỏa hiện chiếm lượng đa số trong các F0 phát hiện hàng ngày ở TPHCM.
"TP tin rằng người dân mong việc phong tỏa chấm dứt càng sớm càng tốt. Nhưng việc này chỉ có thể được chấm dứt khi tình hình cải thiện hơn. Nên UBND TP.HCM đã cân nhắc, thực hiện biện pháp nghiêm ngặt hơn trước đây để có thể nhanh chóng cải thiện tình hình", - ông Đức nói
Phát biểu tại họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận TP.HCM đã trải qua 55 ngày thực hiện các cấp độ Chỉ thị 10, 15, 16 và hiện đang là 16 với các biện pháp tăng tăng cường siết chặt nâng cao hơn, tuy nhiên tình hình dịch trên địa bàn vẫn chưa dừng lại và đang diễn biến hết sức phức tạp.
Theo ông Mãi, bên cạnh nguyên nhân khách quan là virus chủng Delta khó lường, còn có nguyên nhân chủ quan đáng phân tích là ở nhiều địa bàn, nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm và tốt các biện pháp phòng chống dịch. Hiện ở các khu dân cư vẫn có hiện tượng nhà này tiếp xúc nhà kia, có sự giao lưu gần.
Ông Mãi cảnh báo cần nhìn nhận hết sức nghiêm túc các nguyên nhân, bởi nếu không khắc phục và đồng lòng thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ càng xấu và tồi tệ hơn.
Theo ông Mãi, sau khi triển khai Chỉ thị 16 lần đầu tiên và đặt ra 3 tình huống thì TP đã bỏ lỡ cơ hội có được tình huống thứ 1 là cơ bản kiểm soát được dịch và đối diện tình huống 2 dịch bệnh tiếp tục phức tạp.
Ông Mãi đề nghị các cấp các ngành, các cấp, đặc biệt bà con TP nhìn nhận vấn đề phức tạp nghiêm trọng để cùng hành động. Trong đó việc thực hiện triệt để cách ly giữa nhà với nhà và hạn chế di chuyển rất quan trọng.
Ông Mãi chia sẻ 55 ngày qua, lực lượng tham gia chống dịch đã căng mình rất nhiều. Bên cạnh đó, người dân cũng chịu đựng nhiều khó khăn, bất tiện do phải thực hiện giãn cách kéo dài.
“Người dân và các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ hiểu chia sẻ và chấp hành thực hiện triệt để giãn cách, ngăn chặn nguồn lây thì mới giảm được số ca dương tính tăng”, ông Mãi kêu gọi.
Để thắt chặt việc di chuyển và tiếp xúc, ông Mãi cho biết TP sẽ tăng cường lượng công an quân đội triển khai tuần tra kiểm soát đảm bảo từng địa bàn thực hiện việc giãn cách thật nghiêm, ai ở đâu ở yên đó, hạn chế tối thiểu việc ra đường và không tiếp xúc với bên ngoài khi ở nhà. Để hạn chế di chuyển, hôm nay hoặc chậm nhất ngày mai, TP sẽ có quy định cho từng đối tượng, nhiệm vụ, thời gian được phép di chuyển bên ngoài đường, có thể giới hạn khung giờ nhất định như sau 18 giờ, một số hoạt động sẽ không được phép thực hiện. Đây là những biện pháp TPHCM sẽ nghiên cứu, triển khai trong thời gian sắp tới.
“Ra đường sẽ tăng nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm COVID-19. Qua tuần tra kiểm soát, nếu người nào ra đường không có lý do hoặc lợi dụng mặc áo shipper để ra đường, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm túc”, - ông Mãi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để hạn chế việc di chuyển được tối thiểu nhất, TP sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, xử lý tốt hơn các tình huống y tế. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM thường xuyên có sự thảo luận, phân công tăng cường các biện pháp đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian thực hiện triệt để giãn cách.