Nhận biết thời điểm thay thế
Nhiều người sử dụng xe máy có thói quen quan tâm tới các loại dầu, nhớt hay độ căng của lốp xe, mà quên đi không kiểm tra má phanh. Thậm chí đối với một số chị em phụ nữ còn không nhận biết được hệ thống phanh đang “kêu gào”.
Trên thực tế, để nhận biết khi nào cần thay má phanh khá đơn giản. Cụ thể, khi nhận thấy những dấu hiệu như phanh xe không ăn khi đạp chân phanh, hoặc có tiếng kêu rít chói tai nghĩa là má phanh đã quá mòn. Nếu gặp phải những dấu hiệu khác như bó phanh, phanh cứng hoặc mất bám thì nên đưa xe tới gara sửa chữa để kiểm tra rotor phanh, hệ thống dẫn dầu…
Cần nhận biết thời điểm phanh xe máy bị ảnh hưởng để thay thế. Ảnh: TN
Nếu không thay kịp thời, xe có thể bị mòn vào phần đĩa phanh. Lúc này, chi phí thay đĩa phanh sẽ cao hơn rất nhiều so với việc chỉ thay riêng má phanh. Đồng thời khi thay cần chú ý thay má phanh đảm bảo chất lượng và phù hợp với loại xe đang sử dụng.
Trên thị trường hiện có bán má phanh của nhiều hãng sản xuất khác nhau. Theo khảo sát, mức giá của má phanh dao động từ 60-400 ngàn đồng, tuỳ loại xe. Đơn cử như, má phanh dành cho Future 110, Super Dream 100 có giá 60 ngàn đồng, má phanh dành cho Super Dream 110, Wave RSX 110, Future 125, Balde 110, Wave alpha 100 ở mức giá 66 ngàn đồng. Đối với xe tay ga, bộ má phanh có giá cao hơn như má phanh dầu dành cho Lead 125, Air Blade 125, Vision 110 có giá 120 ngàn đồng hay SH150, SH125có giá 400 ngàn đồng.
Thông thường, thời hạn sử dụng cho một cặp má phanh trung bình khoảng 8 nghìn km. Nếu chủ xe thường xuyên đi qua vùng địa hình nhiều đèo, dốc thì cần phải thay má phanh sớm hơn. Các nhà sản xuất xe hơi sẽ cung cấp thông tin về thời hạn sử dụng má phanh trong tài liệu kỹ thuật đi kèm theo xe. Còn thông tin về những cặp má phanh thay mới sau này sẽ được ghi trên vỏ hộp, bao bì sản phẩm.
Lựa chọn má phanh ra sao?
Theo kinh nghiệm của những người dạy nghề sửa chữa xe máy thì chọn mua má phanh cần dựa vào tốc độ vận hành xe. Tuyệt đối không dùng má cũ với đĩa phanh mới.
Trong đó, có hai loại má phanh dùng trên xe máy: má phanh hữu cơ và má phanh nung kết. Cụ thể, má phanh hữu cơ làm từ vật liệu tự nhiên như cao su, hoặc Kevlar (sợi polyamide thơm). Chúng được gắn kết với nhau và có khả năng chịu nhiệt. Ưu điểm của loại này là không gây ô nhiễm môi trường, dễ gia công, mềm, làm việc êm nhưng nhược điểm nhanh mòn.
Các chuyên gia khuyên rằng, người sử dụng xe máy cần bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Ảnh: TN
Má phanh nung kết chịu mài mòn và nhiệt độ cao vì thành phần chủ yếu là các hạt kim loại (đồng hoặc một số hợp kim chịu mài mòn, nhiệt độ cao). Mọi loại má phanh đều có nhiệt độ làm việc tối ưu. Khi vượt quá giới hạn này bề mặt làm việc bị chai dần. Quá nhiều nhiệt truyền vào xi lanh có thể làm sôi dầu, chảy gioăng cao su dẫn đến mất phanh. Để đáp ứng quá trình làm việc liên tục, cường độ cao, cơ cấu phanh xe đua thường thiết kế hệ thống làm mát đặc biệt. Khe nhỏ trên mặt má phanh, lỗ trên đĩa giúp tiêu tán nhiệt, loại bỏ nước, bụi bẩn trên bề mặt khi má tiếp xúc với đĩa.
Để phân biệt hàng đảm bảo chất lượng với hàng nhái, khách hàng có thể dựa vào những yếu tố sau:
- Má phanh "chuẩn" sẽ có sự đồng màu trên bề mặt, các chi tiết như chữ khắc hoặc vết cắt đều sắc nét, khi ốp hai mặt má phanh vào nhau phải khớp, không bị cong vênh.
- Ngược lại, nếu là má phanh hàng nhái thường có lẫn đồng giúp tăng độ cứng tuy nhiên về lâu dài sẽ gây hại trực tiếp tới đĩa phanh. Chính vì vậy, loại má phanh này khi nhìn trên bề mặt sẽ có màu lấp lánh, các vết cắt mờ hoặc không có chữ thể hiện thương hiệu. Đồng thời khi ốp vào nhau sẽ bị cong vênh thấy rõ.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, người sử dụng nên thường xuyên kiểm tra phanh định kỳ, thường xuyên, bởi đây là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp tới độ an toàn của xe.