ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay dù tham gia làm ĐBQH 3 nhiệm kỳ, nhưng chưa kỳ họp nào ông lại thấy đất nước đang đối mặt với khó khăn, thách thức như hiện nay.
“Quốc hội họp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng trước đó, ảnh hưởng của dịch bệnh đã bào mòn cả sức khoẻ của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân” - ông nói.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị
Dịch bào mòn sức sống người dân, doanh nghiệp
Đại biểu tỉnh Quảng Trị cho hay dù dịch tại địa phương không quá phức tạp, nhưng từ đầu năm đến nay, số DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký và số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đều giảm, và số doanh nghiệp ngừng hoạt động lại tăng. “Đó cũng là bức tranh chung của nhiều tỉnh thành khác” - ông nói và dự báo khó khăn bủa vây cho cả nước trong thời gian tới.
Giải trình thêm với các ĐBQH, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 (từ 27-4 đến nay) đang tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội.
Ông dẫn hàng loạt số liệu cho thấy tác động xấu của dịch khi khiến 2,52% lao động thất nghiệp, nhất là khu vực dịch vụ. Nhiều ngành kinh tế bị suy giảm trong năm 2020, đến nay suy giảm sâu hơn, trong đó lĩnh vực lữ hành du lịch giảm 54,8%, lưu trú giảm 2,7%, vận tải giảm 0,7%… Có đến 70.000 DN đã phải rút khỏi thị trường…
"Dịch đã tấn công vào thành trì rất quan trọng, đó là khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp sử dụng lực lượng lớn lao động, nơi có đóng góp nhiều cho kinh tế, thu ngân sách, nơi chiếm gần xấp xỉ 4 triệu lao động” - ông nói. Trong đó TPHCM có 1,6 triệu lao động, Bình Dương 1,2 triệu, Đồng Nai 1,2 triệu và một số địa phương như Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội có tỷ lệ lớn lực lượng lao động trực tiếp.
Một số khu công nghiệp, doanh nghiệp tạm thời phải dừng hoạt động, như Bắc Giang phải đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, 150.000 người lao động tạm ngừng việc, Bắc Ninh 42.000 người.
Tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách toàn bộ hoặc từng khu vực, phải đóng cửa hầu hết các dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và DN
Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết trước bối cảnh đó, cả nước đã tập trung cho mục tiêu hàng đầu là chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh và lao động, các cơ sở công nghiệp.
“Chúng ta đang chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân. Các doanh nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất và người lao động đã và đang vượt qua nhiều khó khăn, chấp nhận “ba tại chỗ”: sản xuất tại chỗ, ăn ở tại chỗ, cách ly tại chỗ… để đảm bảo sản xuất và kinh doanh cũng như sức khỏe và an toàn tính mạng” - ông nói.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và doang nhiệp như: giảm giá điện, nước, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ khẩn cấp người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động…
“Chúng ta đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỉ đồng cho các lực lượng trên. Riêng Nghị quyết 42, với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng triển khai năm 2020, trong thời điểm chưa có tiền lệ, triển khai trong thời gian gấp, tuy chưa được như mong muốn, nhưng qua ngân sách nhà nước và các chính sách, chúng ta đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỉ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó, riêng ngân sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp 13.000 tỉ đồng…” - ông Dung nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung
Riêng đợt dịch lần thứ tư, hiện nay đã triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng.
Qua 15 ngày triển khai cho thấy 12 chính sách hỗ trợ đã kịp thời, đúng và trúng đối tượng, việc triển khai nhanh chóng với 2/3 thủ tục được rút gọn, 2/3 thời gian được rút ngắn so với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42.
Đến nay 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai gói hỗ trợ đợt dịch thứ 4. Trong đó nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hỗ trợ cho 375.000 DN với kinh phí là 4.300 tỉ đồng, có 11 triệu người lao động được thụ hưởng.
Hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1; hỗ trợ hơn 52 nghìn lao động (trong gần 6.000 DN) bị tạm nghỉ việc, không hưởng lương; hỗ trợ 5.500 hộ sản xuất kinh doanh...
“Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lao động tự do đã được triển khai nhanh, có hiệu quả, nhất là tại các địa phương phải giãn cách xã hội. Tất cả lực lượng lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm nghìn người đã được các địa phương xem xét, đã và đang triển khai hỗ trợ. TPHCM và nhiều địa phương đã ban hành và thường xuyên cập nhật, bổ sung đối tượng lao động tự do để được hưởng chính sách” - ông Dung nói.