Trưa 25-7, trao đổi với PLO, ông Vũ Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần DAP số 2 - Lào Cai cho biết công ty đang gặp nhiều khó khăn do các xe chở amoniac từ Bắc Giang không thể lên Lào Cai.
Lý do là quá trình vận chuyển từ Bắc Giang lên Lào Cai phải đi qua địa phận Hà Nội, nhưng khi đến các chốt chặn trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai lại không cho quá cảnh.
Ùn tắc tại chốt kiểm soát Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ kéo dài khoảng 4 km vào lúc 17 giờ ngày 24-7. Ảnh: TP
Theo ông Tiến, amoniac là mặt hàng không thể thiếu trong sản xuất phân bón. Mỗi ngày, công ty phải vận chuyển 200 tấn amoniac, tương đương khoảng 10 xe bồn để sản xuất. Do đó, nếu không sớm gỡ khâu vận chuyển, nhà máy sẽ phải dừng sản xuất DAP.
"Nguồn vốn của công ty rất khó khăn nên kế hoạch nhập nguyên liệu và kế hoạch bán hàng phải thật sát nhau, không có dự phòng. Nếu tình hình này kéo dài, nhà máy sẽ phải tạm dừng sản xuất DAP" - ông Tiến cho biết.
Ông Tiến thông tin thêm, từ tối ngày 24-7, đơn vị vận chuyển đã phối hợp với cơ quan chức năng để đăng ký luồng xanh nhưng đến giờ vẫn chưa đi được.
"Xe của chúng tôi không đi vào nội thành Hà Nội, mà từ Bắc Giang theo đường 18 lên thẳng cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Chúng tôi kiến nghị Hà Nội thay đổi kiểm soát theo hướng kiểm soát xe vào nội đô, còn lại tạo điều kiện cho xe ngoại tỉnh quá cảnh qua Hà Nội thuộc các tuyến đường vành đai để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất sang các địa bàn khác" - ông Tiến nhấn mạnh.
Trưa cùng ngày, trao đổi với PLO, ông Hà Quang Đạo (xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), chủ trang trại của 300.000 con gà đẻ trứng và gà thịt cũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn thức ăn chăn nuôi cho gà đang cạn kiệt.
Trong hoàn cảnh đó, các xe chở thức ăn chăn nuôi cho trang trại từ Hưng Yên và Bắc Giang lại không thể qua các chốt trạm của Hà Nội để về Phú Thọ, khiến ông Đạo như ngồi trên đống lửa.
"Tôi có khoảng 6 trại gà, hiện các trại đang phải luân chuyển thức ăn cho nhau, nhưng không thể cầm cự được lâu. Ngày hôm qua, một trại bị hết thức ăn, vì đói nên thấy tiếng động, đàn gà dồn ứ, xô đẩy về một hướng, đè lên nhau, dẫn đến 1.000 con gà đã bị chết" - ông Đạo chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Bính, một tiểu thương chuyên cung cấp gà thịt cho chợ Bắc Thăng Long (Hà Nội) cũng cho hay đang bị tắc hai chuyến gà với tổng trọng lượng khoảng 3 tấn từ Thái Nguyên về Hà Nội do không có thẻ luồng xanh.
"Nếu tình hình này kéo dài, lượng gà tồn đọng trong dân sẽ còn nhiều, nhưng khách hàng sẽ không có gà để mua. Bắt đầu từ đêm 23-7, lượng hàng đã cung cấp không đủ rồi" - ông Bình nói.
Như PLO đã phản ánh, trước đó, vào ngày 24-7, hàng loạt các tuyến đường chính ở cửa ngõ Thủ đô (đường 1 từ Bắc Ninh về Hà Nội, Quốc lộ 5A, 5B, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) đã xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các chốt kiểm soát dịch.
Tình trạng ùn tắc kéo dài từ 6 giờ sáng, khi Hà Nội bắt đầu thực hiện lệnh giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.