Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM chuyển dần chiến lược phòng chống dịch Covid-19 sang điều trị hiệu quả nhằm giảm thiểu tử vong. Ngành y tế TP.HCM đã phân tầng điều trị, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cơ chế phối hợp theo từng tầng; mở rộng năng lực tiếp nhận, điều trị các bệnh viện quận, huyện và thành phố; chuyển một số bệnh viện dã chiến sang tăng cường chức năng điều trị, nâng cấp nhân lực, bổ sung trang thiết bị để chuyển thành bệnh viện điều trị.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận thời gian qua có tình trạng người dân cần trợ giúp về y tế nhưng không được đáp ứng kịp thời. Nguyên nhân đến từ sự quá tải của cơ sở tiếp nhận tuyến huyện và bệnh viện điều trị; mặt khác do cơ chế điều phối, điều trị. TP.HCM đang tiếp huy động nguồn lực xã hội, y tế tư nhân tham gia, phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng tham gia vào từng tầng điều trị cụ thể.
TP.HCM chuẩn bị ra quy định tăng cường các biện pháp thắt chặt di chuyển. Theo đó, văn bản sẽ quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian ra đường, chẳng hạn sau 18 giờ, một số đối tượng, nhiệm vụ bị hạn chế. Khi đó, TP.HCM sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, xử lý các tình huống y tế, khẩn cấp khác.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, gói hỗ trợ 26.000 tỉ cho người gặp khó khăn do dịch Covid-19 thông thoáng về hồ sơ, thủ tục, thời gian so với gói 62.000 tỉ đồng. Đến nay, nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí 4.300 tỉ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng.
Hà Nội công bố 16 mức xử phạt vi phạm chống dịch Covid-19. Về mức phạt tiền, thấp nhất là 1 triệu đồng đối với hành vi vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng. Cao nhất là 200 triệu đồng với hành vi hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá, nhằm bán lại để thu lợi bất chính.
Sở GTVT tham mưu cho UBND TP.HCM xử phạt shipper chở hàng không thiết yếu. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết văn bản 2468 ngày 24.7 đã quy định rõ các đối tượng được phép lưu thông. Lực lượng chức năng các chốt sẽ kiểm tra, nếu không phải là shipper của các hãng công nghệ, hoặc giao mặt hàng không thiết yếu sẽ bị xử phạt.
Thêm hơn 3 triệu liều vắc xin Moderna do chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX được chuyển đến Việt Nam. Trong đó gần 1,5 triệu liều được chuyển đến TP.HCM tối 24.7, hơn 1,5 triệu liều đến Hà Nội trong hôm nay 25.7. Đây là lô vắc xin Moderna thứ 2 đến Việt Nam trong tháng 7 này, nâng tổng số vắc xin do Chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX lên đến hơn 5 triệu liều. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nhận hơn 2,49 triệu liều vắc xin AstraZeneca theo cơ chế này. Đến nay Việt Nam đã triển khai tiêm gần 4,5 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó có 353.601 người đã được tiêm liều thứ 2. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều vắc xin để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021. Riêng trong tháng 7, sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều được chuyển cho các địa phương đang có dịch; đầu tàu kinh tế, các tỉnh khác, để tiêm cho đối tượng ưu tiên. |
Người bệnh mạn tính lâu năm, bệnh nặng tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng được chích mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên là loại Pfizer. Có 1.170 bệnh nhân mạn tính lâu năm như bệnh thận, tiểu đường, tim mạch, ung bướu và nhóm các bệnh nhân trên 65 tuổi bị các bệnh mạn tính khác đang được điều trị tại 2 bệnh viện này. Tiêm vắc xin kế sau nhóm này là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch bệnh mạn tính.
Tỉnh Đồng Nai chuẩn bị tổ chức tiêm hơn 311.000 liều vắc xin Covid-19 cho người già, người lao động và các đối tượng ưu tiên từ ngày 27.7 đến 15.8. Số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ cho Đồng Nai lần này dự kiến gồm 220.000 liều AstraZeneca, 65.520 liều Moderna và 25.740 liều Pfizer. Ngoài nhóm đối tượng ưu tiên, còn tiêm cho người già và nhóm sản xuất ở địa bàn có nguy cơ cao gồm: TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Long Thành và TP.Long Khánh.
Thanh Hóa sẽ đưa công dân từ TP.HCM về quê miễn phí trên 2 chuyến bay ngày 5 và 6.8, mỗi chuyến chở 190 người. Người được đón về phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính Covid-19 trong 48 giờ đồng hồ trước khi trở về; cam kết sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung, có người nhà đón, chăm sóc trở lại nơi lưu trú. Hiện có 25.083 người Thanh Hóa trên cả nước có nguyện vọng về quê.
Tỉnh Kiên Giang chuẩn bị các phương án kỹ lưỡng và thận trọng để đón công dân từ TP.HCM về quê. Tỉnh này đã chuẩn bị xong nơi cách ly tập trung gồm 3 khu ký túc xá của Trường cao đẳng Kiên Giang với sức chứa khoảng 300 người. Người được đón về không thuộc các đối tượng F1, F2 và không nằm trong vùng phong tỏa. Hiện có khoảng 700 - 800 người Kiên Giang ở TP.HCM có nhu cầu về quê.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.Hội An (Quảng Nam) yêu cầu người dân không ra khỏi thành phố, sau khi nơi này có ca dương tính Covid-19. Ca dương tính là B.P.V (nam, 30 tuổi, trú số 72B Lê Hồng Phong, khối Hòa Thanh, P.Tân An), sống cùng cha mẹ và anh trai, bán quán cà phê Bảo tại nhà. Ca dương tính này chưa rõ nguồn lây.