Trong khoảng 5 tuần giao dịch trở lại đây, thanh khoản trên thị trường chứng khoán dần sụt giảm và nhà đầu tư trong nước thoát hàng mạnh, thậm chí bán tháo. Ngược lại, khối ngoại bình tĩnh “chọn mặt gửi vàng” để gom hàng.
5 tuần, khối ngoại mua ròng 4.400 tỉ đồng
Trong 5 tuần giao dịch tính từ ngày 21.6-23.7, khối ngoại có tới 3 tuần giao dịch mua ròng trong khoảng thời gian từ 28.6-16.7, với giá trị mua ròng tổng cộng khoảng 8.200 tỉ đồng trên toàn thị trường.
Tuần mua ròng mạnh nhất trong 5 tuần giao dịch là từ phiên ngày 28.6-2.7, với giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường hơn 3.300 tỉ đồng, tập trung vào các mã cổ phiếu NVL, VHM… Ở tuần giao dịch này, VN-Index tăng 30,15 điểm (4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ). Đây là tuần VN-Index vượt mốc 1.400 điểm và cán mức đỉnh 1.420,27 điểm, khối ngoại mua ròng mạnh theo xu hướng tăng điểm của thị trường.
Tuy nhiên, sang tuần giao dịch từ ngày 5-9.7 khi thị trường lao dốc mất tới hơn 73 điểm, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng mạnh trước tình thế nhà đầu tư trong nước bán tháo trong hoảng loạn. Tuần này, giá trị mua ròng của khối ngoại hơn 2.300 tỉ đồng, tập trung vào các mã MBB, VHM, HPG, STB, MSN…
Không dừng lại, đến tuần giao dịch từ ngày 12-16.7 khi VN-Index tiếp tục giảm mạnh gần 48 điểm, khối ngoại lại tiếp tục xuống tiền “chọn mặt gửi vàng” vào các mã cổ phiếu như HPG, SSI, STB… với tổng giá trị mua ròng hơn 2.600 tỉ đồng. Trong đó, có 2 phiên chỉ số giảm mạnh tổng cộng hơn 68 điểm cũng chính là những phiên khối ngoại mạnh tay gom hàng.
Ở động thái ngược lại, khối ngoại bán ròng tổng giá trị khoảng 3.800 tỉ đồng trong 2 tuần giao dịch từ ngày 21-25.6 và từ 19-23.7.
Với khoảng 4.400 tỉ đồng (tương ứng hơn 190 triệu USD) khối ngoại mua ròng tập trung ở 3 tuần giao dịch đề cập ở trên, đó cũng là khoảng thời gian VN-Index giảm điểm sâu và nhà đầu tư trong nước có những phiên bán tháo vì tâm lý lo lắng, sợ hãi.
Diễn biến ngược chiều
Theo dõi sát thị trường chứng khoán từ tháng 4.2020 khi VN-Index bắt đầu hồi phục có thể thấy, khối ngoại trong hầu hết hơn 5 quý vừa qua ở trạng thái bán ròng và rút vốn, trong khi nhà đầu tư trong nước mua ròng mạnh. Chỉ thỉnh thoảng khối ngoại mới có một số phiên, hay 1-2 tuần giao dịch ở trạng thái mua ròng mạnh về giá trị.
Sự thỉnh thoảng đó từng xảy ra vào những phiên giao dịch cuối tháng 7.2020 khi dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng tại Đà Nẵng, khối ngoại lập tức gom hàng trong vài phiên liên tục với giá trị mua ròng mạnh hàng ngàn tỉ đồng.
Kịch bản tương tự đã tái diễn từ một số phiên giao dịch cuối tháng 6 kéo dài đến giữa tháng 7.2021. Chỉ khác là, khối ngoại đợt này thậm chí mua ròng còn mạnh hơn thời điểm gần 1 năm trước.
Một trong những quỹ đầu tư nước ngoài giải ngân mạnh trong thời gian qua là Fubon FTSE Vietnam ETF. Tính tới thời điểm giữa tháng 7.2021, Fubon đã giải ngân khoảng 3.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 127 triệu USD. Và danh sách cổ phiếu được Fubon “chọn mặt gửi vàng” không ngoài nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 có cơ bản tốt và kết quả kinh doanh tăng trưởng đáp ứng kỳ vọng và vượt kỳ vọng.
Sự bán tháo của không ít nhà đầu tư trong nước trong khoảng 1 tháng trở lại đây, hoặc là động thái đứng ngoài quan sát, đã tạo thêm cơ hội cho khối ngoại lựa chọn các cổ phiếu đã chiết khấu giá xuống mức giá hấp dẫn mà không gặp sự tranh mua đáng kể nào.
Xem thêm: odl.605439-gnav-iug-tam-nohc-iaogn-iohk-ohc-nas-gnouhn-ad-ion-iohk-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal