Ngày 25-7, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình - Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa) bên hành lang Quốc hội chia sẻ với báo chí một số vấn đề mà ông quan tâm, đã thảo luận tại tổ và tranh luận lại trên hội trường về đầu tư công, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người nghèo.
Có mặt bằng thì doanh nghiệp vào đầu tư
Đại biểu Nguyễn Văn Thân nói: “Hiện nay công tác đầu tư công chúng ta đang rất vướng ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) nhất là khu vực dân cư. Điểm nghẽn đó nếu chúng ta không giải quyết sớm thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công, kế hoạch đầu tư, giải ngân cho đầu tư công”.
. Phóng viên: Vậy theo ông, giải pháp cần có giải quyết tình trạng này là gì?
+ Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Giải pháp quan trọng nhất là tách GPMB thành một dự án độc lập, không nằm trong dự án chung như lâu nay nữa. Sau khi chúng ta GPMB xong, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng vào đầu tư kể cả theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Nếu không giải phóng được mặt bằng thì doanh nghiệp không vào.
Ví dụ như sân bay Long Thành, Quốc hội rất sáng suốt khi tách khâu GPMB ra. Giai đoạn 1 là giải phóng mặt bằng, giai đoạn 2 mới triển khai. Rất tiếc là tiến trình GPMB của chúng ta quá chậm do cả chủ quan và khách quan dẫn đến giá GPMB ngày càng tăng cao.
Tôi đề nghị Quốc hội quan tâm đến nghị quyết tách GPMB thành dự án riêng
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng: trong kinh doanh thời COVID-19 thì cũng có những điểm sáng ở xuất khẩu, tài chính, ngân hàng. Ảnh: CHÂN LUẬN
. Nhưng khi làm như vậy thì cũng như trước đây, yêu cầu là phải giải quyết hài hoà lợi ích của người dân và chính quyền địa phương?
+ Về người dân, phải có sự thoả thuận với Nhà nước. Chính quyền địa phương phải thay mặt doanh nghiệp đàm phán với người dân. Nếu để doanh nghiệp tham giam đàm phán với người dân thì rất khó. Chính quyền tỉnh phải thông qua một mức giá nào đó mà HĐND đồng ý, ủng hộ rồi lấy giá đó để làm. Tiến độ sẽ nhanh hơn.
Người dân họ biết công trình này có ý nghĩa gì đối với cộng đồng nên họ sẽ tìm cách đẩy giá lên cao, rất khó trong GPMB.
Cứ hạ lãi suất nữa, không khéo ngân hàng không chiu nổi
. Là Chủ tịch hiệp hội DNNVV, theo ông gói chính sách vừa rồi đã hỗ trợ được doanh nghiệp hay chưa? Ông có đề xuất gì để gói hỗ trợ đó đạt được hiệu quả cao nhất?
+ Gói hỗ trợ 26.000 tỉ vừa rồi Chính phủ đưa ra, giao cho Bộ LĐ-TB&XH điều hành. Tôi đánh giá rất cao gói hỗ trợ này vì đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy và hành động trong triển khai. Cho nên những điều kiện để tiếp cận gói này dễ dàng hơn, doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận tốt hơn.
Thôi thì ta nghèo, ta không có nhiều tiền, nhưng ta chia sẻ được. Cái này cần phải để cho người thực hiện mạnh dạn. Có lúc tiếp cận với người lao động nghèo mà người ta thiếu một số giấy tờ thì cho người ta nợ. Không có cơ chế như thế thì người triển khai gói hỗ trợ không dám làm vì sợ vi phạm luật. Cuối cùng hai bên không đến được với nhau.
. Từ năm ngoái tới nay cũng có những chính sách hỗ trợ như hạ lãi suất, khoanh, giãn nợ, thưa ông?
+ Chính sách của Ngân hàng Nhà nước tôi cho là rất tuyệt vời. Doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ, được hạ lãi suất. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp cho nên đấy là sự hi sinh.
Nhưng có điều rất quan trọng cần chú ý, ví dụ hạ lãi suất thì Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh cho ngân hàng. Bởi vì ngân hàng chỉ có thể hạ lãi suất đến một mức nào đó phù hợp với sức chịu đựng của mình. Nếu hạ nữa, khoanh nữa, giãn nữa thì đến một lúc nào đó DN gặp khó khăn, họ sẽ không tạo điều kiện cho DN tiệm cận được vốn nữa.
Đấy là điều không phải ai cũng nói ra được. Chính phủ cần vào cuộc, Bộ Tài chính cần phải có phương pháp hỗ trợ, lấy ngân sách ra bảo lãnh cho phần lãi suất quá tải mà ngân hàng phải chịu.
.Xin cảm ơn ông!
Có những “điểm sáng” trong kinh doanh thời COVID .Một vấn đề liên quan tới doanh nghiệp. Sáu tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất cao, điều này gây nên áp lực thế nào đối với tăng trưởng 6 tháng cuối năm? + Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Việc doanh nghiệp giải thể và thành lập mới vẫn diễn ra bình thường. Nhưng COVID-19 gây ảnh hưởng nặng, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa, trong đó thì ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp ngành du lịch, khách sạn… Họ phải đóng cửa. Nhưng cũng có những doanh nghiệp lại làm tốt, chẳng hạn những doanh nghiệp xuất khẩu hoặc tài chính, ngân hàng. Điều đó có nghĩa là, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nhưng không phải không có điểm sáng. Các doanh nghiệp logistic, kinh doanh trực tuyến cũng làm tốt. |