Mới đây, thị trường bảo hiểm đã xôn xao về vụ việc một khách hàng mua 19 hợp đồng tại 13 công ty bảo hiểm khác nhau. Theo thông tin từ Tin Nhanh Chứng Khoán, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã có công văn số 61/HHBH/2021, tố giác khách hàng N.V.Khánh (Hải Phòng) lên Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công An.
13 công ty bảo hiểm này có cả nhân thọ và phi nhân thọ như Bảo hiểm Bảo Việt, Liberty, VBI, Prudential, Dai-ichi, Aviva, MB Ageas, Cathay, Generali. Sau khi mua bảo hiểm hơn 3 tháng, người này đã được Prudential, MB Ageas, Bảo hiểm Bảo Việt và VBI chi trả số tiền bảo hiểm gần 4 tỷ đồng. IAV cho rằng nếu không kịp thời điều tra làm rõ và ngăn chặn hành vi gian dối, trục lợi của khách hàng thì các công ty bảo hiểm còn lại sẽ phải tiếp tục chi trả số tiền bảo hiểm ước tính lên tới 20 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo ông Trương Minh Cát Nguyên – Giám đốc Văn Phòng Luật sư Tila và Cộng sự, người đại diện của khách hàng cho biết khách hàng chưa được bệnh viện khẳng định là "bị ung thư".
Trường hợp các công ty bảo hiểm từ chối chi trả khi cho rằng khách hàng đang trục lợi, về phía người mua bảo hiểm sẽ xử lý như thế nào?
Báo Tuổi trẻ từng đưa ra ví dụ, tháng 12-2014, bà N., con gái ông T.N.M. (ngụ tại Q.7, TP.HCM), mua bảo hiểm nhân thọ của một công ty có trụ sở tại TP.HCM với số tiền 150 triệu đồng, thời gian đóng phí 12 năm. Ông M. là người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm (100%).
Sau khi đóng phí được 2 tháng, bà N. nhập viện điều trị suy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, bà có đơn yêu cầu bảo hiểm thanh toán phí điều trị bệnh nhưng bị từ chối. Tháng 12-2015, một năm sau khi mua bảo hiểm, bà N. qua đời vì bệnh. Sau khi con gái chết, ông M. đã yêu cầu công ty bảo hiểm thực hiện các quyền lợi theo hợp đồng nhưng cũng bị từ chối. Lý do phía bảo hiểm đưa ra là bà N. không khai báo có bệnh suy thận khi mua bảo hiểm.
Không chấp nhận, ông M. đã khởi kiện ra TAND Q.7 yêu cầu công ty phải trả cho ông số tiền bảo hiểm theo hợp đồng là 150 triệu đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, đại diện công ty bảo hiểm cho biết sau khi nhận được đơn của bà N., công ty đã có ban hành thông báo yêu cầu bà cung cấp các chứng từ liên quan đến việc điều trị để công ty xác minh. Qua hồ sơ bệnh án thu thập được tại Bệnh viện Chợ Rẫy, công ty biết bà N. đã điều trị căn bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối tại bệnh viện trước khi mua bảo hiểm. Hồ sơ bệnh án ghi nhận: bệnh nhân bị cao huyết áp một năm trước, mệt nhiều, da xanh xao, ăn uống kém, nhập viện trong tình trạng suy thận mãn.
Điều đáng nói là khi khai báo để mua bảo hiểm, bà N. khai không có gì bất thường về sức khỏe và không đề cập gì về việc điều trị suy thận mãn giai đoạn cuối. Bà cũng trả lời không mắc bệnh cao huyết áp hoặc bệnh thận, mặc dù bà đã điều trị căn bệnh này.
Xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND Q.7 và TAND TP.HCM cũng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình bà N.. Theo nhận định của tòa, bà N. có điều trị bệnh sán chó tại Bệnh viện Quy Nhơn và điều trị bệnh suy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên khi ký hợp đồng bảo hiểm, bà N. chỉ kê khai có điều trị bệnh sán chó nhưng lại không kê khai có điều trị bệnh suy thận.
Căn cứ theo hợp đồng thì người mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ và trung thực các thông tin. Vì bà N. đã vi phạm nên tòa phán quyết bị đơn có quyền từ chối chi trả bảo hiểm và đơn phương đình chỉ hợp đồng.
Như vậy với trường hợp của người khách mua 19 hợp đồng bảo hiểm nói trên, việc trục lợi hay không trục lợi cần một trong 2 bên khởi kiện ra tòa án nhân dân xét xử. Tòa án sẽ là nơi phán quyết công ty bảo hiểm có quyền từ chối chi trả và đơn phương đình chỉ hợp đồng hay không.
Thảo Nguyên (Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị