7 năm trước, tức vào năm 2014, cũng vào mùa vải thiều , câu chuyện vòng tròn "được mùa mất giá, mất mùa được giá" của người nông dân lại được nhắc đến trên truyền thông. Thậm chí xuất hiện những thông tin tiêu cực như vải thiều Trung Quốc "nhập ngược" lại, xâm nhập và cạnh tranh với vải thiều Việt Nam ngay tại nội địa.
Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ vào tháng 7 năm đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải bác bỏ thông tin về sự xâm nhập của vải Trung Quốc, đồng thời nêu một ý kiến để xử lý chuyện tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
"Nhiều người miền Nam chưa biết đến vải thiều. Nếu 90 triệu dân mỗi người ăn vài lạng sẽ giúp nông dân tiêu thụ được vải thiều", ông Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra dẫn chứng, nhờ đẩy mạnh đưa vải thiều vào miền Nam, nông dân đã tiêu thụ được 60-70% lượng vải thiều mà các năm trước phải phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Người phát ngôn của Bộ Công Thương nhận định, bên cạnh việc thúc đẩy "người Việt dùng hàng Việt" thì Việt Nam luôn nỗ lực tìm giải pháp đa dạng hóa thị trường với việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại song phương.
Câu nói "mỗi người ăn vài lạng vải" khi đó gặp nhiều ý kiến không đồng tình vì nghe như một "câu nói đùa" chứ không ra dáng một giải pháp, dẫu thực tế sau câu nói đó là hướng đi mở rộng thị trường ngay tại nội địa cho quả vải Việt Nam.
Năm 2021, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 của Chính phủ diễn ra chiều 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương tỉnh Bắc Giang tiêu thụ được hơn 200.000 tấn vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.
Bất chấp tác động của dịch COVID-19, Bắc Giang vẫn có một mùa vụ vải thiều bội thu, được cả mùa lẫn giá. Đặc biệt, lần đầu tiên sản lượng tiêu thụ trong nước cao hơn xuất khẩu.
Bắc Giang có một mùa tiêu thụ vải thành công bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
“Có thể nói vải thiều Bắc Giang vừa được mùa, vừa được giá, tiêu thụ tốt với doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng. Cách tiếp cận mới của tỉnh là không nói “giải cứu” vải thiều ngay từ đầu vụ, bởi như vậy giá sẽ sập xuống, không xuất khẩu, không bán được.
Thay vào đó, cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải. Đây là bài học với vải thiều nói riêng và nông sản nói chung”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái chia sẻ.
Đợt bùng phát dịch vừa qua trùng với thời điểm vải thiều vào chính vụ. Ông Dương Văn Thái cho biết, vượt qua những khó khăn, vải thiều Bắc Giang đạt “3 cái nhất” trong năm nay. Đó là sản lượng đạt lớn nhất từ trước tới nay với 215.000 tấn – cao hơn dự kiến ban đầu là 180.000 tấn; chất lượng tốt nhất với 55% sản lượng và diện tích trồng theo VietGAP và GlobalGAP, xuất khẩu chính ngạch được vào những thị trường khó tính như Nhật, Pháp, Đức…
Đặc biệt, giá bán vải ổn định từ đầu đến cuối vụ. Trong đó, giá bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, về cơ bản giá tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch. Tổng kết, vụ vải thiều năm nay nông dân Bắc Giang bỏ túi 4.274 tỷ đồng.
Trước đây sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 45 đến 50% tổng sản lượng thì năm nay đạt khoảng 65%. Việc sản lượng tiêu thụ trong nước cao hơn xuất khẩu là kết quả của nhiều giải pháp, trong đó không thể không có một sự thật là nhờ các kênh phân phối mới cực kỳ hiệu quả giúp cho mỗi người Việt Nam dù ở bất kỳ địa phương nào cũng có thể "ăn vài lạng vải".
Năm nay là lần đầu tiên vải thiều được quảng bá, bày bán trên 7 sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Post mart, Tiki, Shopee, Alibaba, Lazada giúp người tiêu dùng dễ dàng mua vải chất lượng với giá cả minh bạch và được vận chuyển đến tận tay.
"Nếu như năm ngoái, vải thiều bán trên sàn thương mại điện tử chỉ được 7 tấn thì năm nay sản lượng bán trên các sàn thương mại điện tử này là trên 7.000 tấn, trên cả mong đợi ", ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết.
Hải Yến
Doanh nghiệp tiếp thị