Sai phạm bị "chìm xuồng"
Liên quan đến DA tuyến đường số 1 (TP.Trà Vinh), ngày 23-7, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký báo cáo 192 gởi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết khó khăn vướng mắc DA trên, thanh toán cho nhà thầu 153 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 145 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 1,2 tỷ đồng, chi phí khác gần 6,9 tỷ đồng...
Đây là một DA tai tiếng ở tỉnh Trà Vinh. Tháng 8-2006, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt đầu tư DA tuyến đường số 1 với tổng mức đầu tư hơn 141 tỷ đồng, chiều dài 2.200m. DA giao cho Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, DA ngừng thi công do người dân khiếu nại đông người.
UBND tỉnh lập đoàn thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm có dấu hiệu trục lợi của một số cán bộ. Chủ đầu tư kéo dài con đường hơn 810m so với ban đầu để nắn đường cong qua đất của 20 người là cán bộ công chức sở hữu tổng diện tích 40.754m² đất; trong đó có 8 người là cán bộ Sở GTVT, sở hữu 17.073m² bị thu hồi 6.217m²...
Thanh tra đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh làm rõ hành vi Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng, UBND tỉnh kiểm điểm ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Sở GTVT cùng các cán bộ có liên quan.
Tháng 2-2017, UBND tỉnh Trà Vinh cho triển khai xây dựng DA tuyến đường số 1 nội ô TP.Trà Vinh. Sở GTVT tỉnh này được giao làm chủ đầu tư, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Bình An thực hiện DA theo hình thức: Xây dựng - chuyển giao (BT). Theo hợp đồng ký kết, DA có vốn chủ sở hữu và tiến độ huy động là 25 tỷ đồng; vốn vay và tiến độ huy động là hơn 88 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn do DNTN Bình An chịu trách nhiệm và đứng ra thi công. DA hoàn thành, nhà đầu tư sẽ được Nhà nước giao đất để thu hồi vốn. Quỹ đất là số đất hai bên đường với diện tích 34.420m2, đơn giá đất ở giao nhà đầu tư là 2.632.000đ/m2. Cuối năm 2018, công trình thi công hoàn thành nhưng không thể quyết toán bàn giao.
Sau khi nắn cong con đường làm dài hơn 810m so với DA ban đầu, sát khu đất hơn 7.000m2, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Sở GTVT kiêm Chủ đầu tư DA tuyến đường số 1 nhận hình thức cảnh cáo và về hưu.
Thanh tra Trà Vinh có báo cáo kiểm tra việc thực hiện DA lần 1 và 2 có quá nhiều sai phạm như: hồ sơ DA còn thiếu, chuyển mô hình đầu tư không đúng quy định của pháp luật, quy hoạch tỷ lệ 1/500 được Nhà nước phê duyệt chưa có, trình tự tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất chưa đúng theo quy định, các điều khoản miễn trừ theo mẫu... Thanh tra cảnh báo, tỉnh giao đất cho DNTN Bình An đổi công trình là không đúng với quy định pháp luật.
Khi chưa xử lý dứt điểm những tiêu cực, sai phạm trong việc thực hiện DA trên, cuối năm 2018, UBND tỉnh đồng ý cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tạm ứng 71 tỷ đồng từ nguồn phát triển quỹ đất tỉnh để hoàn trả cho DN Bình An, nhà đầu tư DA tuyến đường số 1 phần thực hiện hoàn thành. Đến nay, Trung tâm Quỹ đất tỉnh chưa thu hồi số tiền tạm ứng gần 3 năm trước, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý cho tỉnh trả cho DNTN Bình An 153 tỷ đồng.
Đề xuất lạ lùng
Theo báo cáo 192 ngày 23-7, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ghi rõ, thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Mục 10, Phần III Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 11-1-2021 nên tỉnh có báo cáo trên. Thực tế, tại kết luận trên ghi "việc đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện DA Tuyến đường số 1, nội ô TP.Trà Vinh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh lập báo cáo, thuyết minh phương án cụ thể gởi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định (nguồn thanh toán từ khoản thu đấu giá quyền sử dụng đất hai bên đường), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét về Chủ trương trong tháng 1-2021. Tỉnh lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với toàn bộ phần đất đã thu hồi để làm đường và phần đất thu hồi mở rộng khi triển khai đầu tư DA trên theo quy định của pháp luật hiện hành".
Rõ ràng, kết luận Thủ tướng Chính phủ không ghi xem xét giải quyết cho nhà thầu mà chủ yếu phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với người dân bị ảnh hưởng bởi DA trên là một trong những DA khiếu nại đông người ở địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Ngoài việc đề nghị Thủ tướng chi trả cho DNTN Bình An từ giao quỹ đất sang thanh toán bằng tiền, UBND tỉnh bổ sung nội dung của Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã phê duyệt trước đây: Không giao đất mà thực hiện bồi thường bằng tiền đối với diện tích 66.904m2 đất ở, dự kiến giao theo phương án được duyệt, giá đất ở để tính bồi thường được xác định bằng giá đất cụ thể theo quy định hiện hành với kinh phí dự kiến hơn 721 tỷ đồng.
Riêng đối với nguồn kinh phí thực hiện, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy từ nguồn đấu giá quỹ đất hai bên đường; tổng quỹ đất dự kiến đưa ra bán đấu giá 161.877m2 (trong đó vị trí 1: 123.696m2 và vị trí 2: 38.181m2), ước thu 1.533 tỷ đồng. Sau khi thanh toán kinh phí thực hiện hơn 928 tỷ đồng; còn lại hơn 605 tỷ đồng dự kiến đầu tư các công trình phúc lợi trong khu vực này.
Như vậy, so với quyết định ban đầu tỉnh giao cho nhà đầu tư gần 35.000m2 đất ở vị trí số 1 đổi lấy công trình có giá trị hơn 350 tỷ đồng. Thực tế, công trình tỉnh vừa xác định 153 tỷ đồng. Ngân sách suýt thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. Nếu Thanh tra tỉnh không đề nghị dừng thực hiện đổi đất lấy công trình, báo chí không phản ánh, ngân sách tỉnh thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Và cho đến nay, những sai phạm qua 2 lần thực hiện DA vẫn chưa xử lý dứt điểm, số tiền cho DNTN Bình An tạm ứng chưa thu hồi được, UBND tỉnh lại đề xuất trả cho nhà thầu thì liệu có hợp lý? DA có dấu hiệu vi phạm pháp luật sao tỉnh không chuyển cho cơ quan tố tụng xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật?
Xem thêm: lmth.999611_gnod-yt-002-noh-tam-tyus-oehgn-hnit/taul-pahp-oeht-gnos/nv.moc.nagnoc