Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Ba Huân - cho biết, công ty gặp không ít khó khăn là do doanh số bán hàng tăng nhưng giá bán ra không tăng (theo chương trình bình ổn thị trường), trong khi thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào lại tăng: “Chúng tôi làm nông nghiệp, được hưởng ưu đãi giảm lãi suất (LS) bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu nhưng cho tới nay, vẫn chưa nhận được thông báo gì từ ngân hàng (NH)”.
Trong khi đó, ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cho biết, công ty đã nhận được thông báo từ NH giảm LS khoản vay vốn lưu động là 0,5% (từ 6,6%/năm trước đó về 6,1%/năm). Ông Nguyễn Văn Trí - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - cũng cho hay, công ty ông vừa nhận thông báo từ NH sẽ được giảm lãi vay là 0,5%: “Công ty đang chăm lo cho hơn 130 công nhân làm việc theo quy định “ba tại chỗ” nên chi phí đội lên khá nhiều. Nếu được giảm lãi thêm hoặc kéo dài thời gian giảm lãi sẽ càng đỡ cho DN”.
Các doanh nghiệp đang lo họ sẽ không được giảm lãi vay, giãn nợ do thời hạn hưởng các ưu đãi này quá ngắn (trong ảnh: Hoạt động sản xuất ở nhà máy Vissan) - Ảnh: Q.Thái |
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - thông tin, ông được phía NH báo sẽ giảm LS đối với khoản vay mới chứ không phải giảm trên khoản vay hiện hữu. Điều mà DN quan tâm hiện nay là có nguồn tiền để chăm lo cho đời sống công nhân chứ không phải vay mới để được giảm lãi, chạy làm hồ sơ để được hoãn nợ. Hầu hết DN đều bị ảnh hưởng do quy định “ba tại chỗ”, hạn chế sản xuất do công nhân đang bị cách ly, ở trong vùng phong tỏa.
Tháng 4/2021, NH Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, trong đó quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đến hết ngày 31/12/2021. Như vậy, chỉ còn năm tháng rưỡi để khách hàng cá nhân và DN được hỗ trợ giảm lãi, hoãn nợ.
Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế tài chính, Trường đại học Kinh tế - Luật TPHCM) cho biết, Thông tư 01 trước đó quy định khoảng thời gian áp dụng các ưu đãi quá ngắn. Thông tư 03 cũng nêu thời gian quá ngắn nên hai thông tư này không khác gì nhau và vẫn nặng thủ tục, DN muốn được hỗ trợ sẽ phải làm lại hồ sơ từ đầu.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính NH - đến nay, việc giảm lãi, hoãn nợ không thật sự hiệu quả với DN. NH đang giảm lãi với khoản vay hiện hữu và khoản vay mới. Với bối cảnh hiện nay, việc giảm lãi trên khoản vay hiện hữu sẽ thực tế và giúp ích cho DN hơn. Nhưng các NH đều đang lựa chọn, tùy theo tình hình kinh doanh của DN và tùy khoản vay để áp dụng. Sẽ rất khó có DN được giảm từ 1 - 2% trên khoản vay hiện hữu như công bố. Còn với khoản vay mới, có thể DN được giảm nhiều hơn nhưng DN lại không có nhu cầu.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 03 vừa ra đời đã không còn phù hợp nữa. Có những khoản vay được giải ngân tại các thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, nhưng dịch lại bùng phát mạnh sau đó không lâu nên chắc chắn sẽ có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu lại, những khoản này lại vướng quy định của Thông tư 03 là có khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021.
“Chưa biết chừng nào mới kiểm soát được dịch bệnh. Nếu vài tháng tới kiểm soát được dịch thì DN phải mất thêm vài tháng nữa để phục hồi sản xuất, có doanh thu trở lại. Thời hạn hỗ trợ theo Thông tư 03 (đến hết ngày 31/12/2021) là quá ngắn, cần kéo dài thêm từ 6-12 tháng nữa. NH giảm thêm lãi, tạo điều kiện cho DN trả nợ cũng là giúp chính mình” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Hoa Lài
Xem thêm: lmth.6831441a-iad-uu-nah-teh-ad-yav-ial-maig-coud-auhc-ol-peihgn-hnaod/nv.moc.enilnounuhp.www