Chưa có thực chứng
Ngày 26/7, Bộ Y tế đã có công văn 5967/BYT-YDCT thu hồi công văn 5944/BYT-YDCT hướng dẫn 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19.
Theo đó, vào ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này.
Theo Lương y Minh, trong thời gian ứng dụng điều trị bằng y học cổ truyền cho bệnh nhân Covid-19 thì một số vị thuốc và bài thuốc như: xuyên tâm liên và bài thuốc Ngân kiều tán có tác dụng làm giảm triệu chứng cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Thuốc y học cổ truyền sử dụng chỉ có mục đích hỗ trợ và chưa có thực chứng lâm sàng để chứng minh đối chứng, ảnh minh hoạ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền Nhiễm Việt Nam cho biết: "Khi mắc Covid-19 về mặt phản ứng của virus với cơ thể, thông thường sẽ có một số phản ứng điển hình hay gặp là phản ứng viêm. Nguyên tắc của Y học cổ truyền quan niệm rằng các vị thuốc có vai trò chống viêm, thanh nhiệt, hạ sốt, tăng sức đề kháng… được bào chế ra thuốc để sử dụng.
Tuy nhiên, để chứng minh vai trò hiệu quả của thuốc y học cổ truyền với bệnh Covid-19 phải có nghiên cứu bài bản, so sánh đối chứng.
Do bệnh Covid-19 là bệnh tự diễn biến, có nghĩa là uống thuốc hay không thì tải lượng virus cũng giảm xuống. Nên phải có nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả thực sự. Nên việc sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền hiện nay là chưa có bằng chứng".
Bệnh Covid-19 theo y học cổ truyền
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, trong y học cổ truyền, bệnh Covid-19 thuộc phạm vi "Ôn dịch" của Học thuyết "Ôn bệnh học" và có tên "Cảm mạo ôn bệnh".
Bệnh Ngoại cảm ôn bệnh là tên gọi chung của những bệnh ngoại cảm với những đặc điểm: Khởi phát với phát sốt, bệnh cảnh thiên về nhiệt, diễn biến theo quy luật, bệnh thường cấp tính, diễn tiến nhanh, bệnh cảnh thường nặng. Bệnh thường lây nhiễm nhanh và khi phát bệnh thành dịch thì được gọi là "Ôn dịch".
Trước đây, khi Tây y chưa phát triển ở Việt Nam, Y học cổ truyền có tác dụng hỗ trợ điều trị tốt các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, sốt xuất huyết, đậu mùa… Trong Đông y có một số vị thuốc có tác dụng hỗ trợ nâng cao thể trạng hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19 giúp giảm bớt ho, ngạt mũi, đau nhức…
Lương y Bùi Hồng Minh cho hay, ở giai đoạn khởi phát khi bệnh ở thời kỳ đầu phong hàn xâm phạm vào bì mao và phế vệ. Triệu chứng: Phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù.
Phương pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái. Dùng một số bài thuốc sau để giảm bớt triệu chứng: Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều kiện); Ngân kiều tán gia giảm; Sâm tô tán cá tác dụng khu phong hàn, tuyên khai phế vệ; Nhân sâm bại độc tán (Ích khí giải biểu, tán phong, trừ thấp); Hạnh tô tán công dụng: Ôn tán phong hàn, tuyên phế hóa đàm.
Bài 1: Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều kiện): Liên kiều 8 - 12g; Cát cánh 6 - 12g; Đạm trúc diệp 6 - 8g; Kinh giới 4 - 6g; Đạm đậu xị 8 - 12g; Ngưu bàng tử 8 - 12g; Kim ngân hoa 8 - 12g; Bạc hà 8 - 12g; Cam thảo 2 - 4g; Gia Xuyên tâm liên 12 g; Thanh cao hoa vàng 12 g. Thuốc thang sắc ngày 1 thang, uống chia đều 3 lần, sau ăn. Công dụng: Thanh ôn giải độc, thăng dương ích khí.
Bài 2. Ngân kiều tán gia giảm: Kim ngân hoa 12g; Liên kiều 8g; Hoàng liên 8g; Cát cánh 12g; Bạc hà (tươi) 12g; Đạm trúc diệp (tươi) 12g; Cam thảo 6g; Ngưu bàng 12g; Sinh địa 16g; Đan bì 12g; Đại thanh diệp 6g; Huyền sâm 16g; Bản lam căn 6g; Gia Xuyên tâm liên 12 g; Thanh cao hoa vàng 12 g.
Công dụng: Thanh ôn giải độc, thăng dương ích khí. Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, uống lúc ấm chia đều 3 lần sau ăn.
Trường hợp người bệnh có rối loạn tiêu hóa gia: Bạch truật 16g, Hoắc hương 4-6g, nếu có ho gia Mạch môn 12-16g, Tử uyển 6-8g, Trần bì 6-8g, Bán hạ 8-12g.
Ngọc Minh
Doanh nghiệp tiếp thị