Hãng Sputnik đưa tin tàu khu trục Sahand và tàu hỗ trợ Makran của Iran hôm 25-7 đã tham gia cuộc diễu binh hải quân trên sông Neva ở St.Petersburg để kỷ niệm Ngày Hải quân với hơn 50 tàu chiến của Nga, cùng các tàu đến từ Ấn Độ và Pakistan.
Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi đã đến St.Petersburg trước đó một ngày, theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ông là khách mời danh dự tại buổi lễ diễu binh lần này.
Ngoài việc tham dự các sự kiện tại buổi diễu binh hải quân, Đô đốc Khanzadi đã gặp gỡ các quan chức quân sự cấp cao của Nga để thảo luận về triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như các vấn đề khu vực cùng quan tâm.
Ông Khanzadi gọi chuyến hành trình hàng nghìn km của tàu Sahand và tàu Makran từ Iran đến Đại Tây Dương, qua eo biển Manche đến biển Baltic và cập cảng Nga là một sự kiện “chưa từng có tiền lệ”.
Đô đốc Iran cho rằng sự hiện diện của hai con tàu của nước này ở Vịnh Phần Lan là “một sự kiện lịch sử” và là một “thành công”, “mở cánh cửa tới Biển Bắc và Phần Lan” cho hạm đội tàu nước này.
Trước khi tới Nga, hai tàu chiến Sahand và Makran đã đi qua vùng biển Đan Mạch. Bộ quốc phòng Đan Mạch cũng đã công bố hình ảnh về các tàu chiến Iran đi qua vùng biển của nước này.
Các tàu chiến Iran bắt đầu hành trình từ tháng 5-2021, di chuyển về phía Nam qua Ấn Độ Dương, vòng qua Mũi Hảo Vọng, sau đó đi về phía Tây Bắc lên bờ biển phía Tây châu Phi, rồi lần đầu tiên trong lịch sử hải quân Iran, có mặt tại Đại Tây Dương.
Điểm di chuyển của hai tàu chiến Iran đã trở thành chủ đề gây tranh luận gay gắt suốt nhiều tháng qua trên các phương tiện truyền thông Mỹ, với lo ngại Iran có thể chở vũ khí hoặc nhiên liệu đến Venezuela. Washington còn cân nhắc khả năng triển khai tàu hải quân để tìm cách ngăn chặn hai con tàu này.
Tuy nhiên, tuần trước, thay vì đến Venezuela, tàu Sahand và Makran đã bất ngờ đi lên bờ biển phía Tây Bắc nước Pháp và qua eo biển Manche, eo biển Đan Mạch và đi vào biển Baltic để tham gia lễ duyệt binh ở St.Petersburg.
Việc thay đổi hành trình đã tiếp tục gây ra những lo ngại mới từ báo chí nước Anh, khi họ cho rằng các tàu Iran có thể đang cố gắng thu thập thông tin tình báo trong suốt quá trình di chuyển.
Tàu khu trục Sahand tham gia cuộc diễu binh hải quân trên sông Neva ở St.Petersburg với hơn 50 tàu chiến của Nga hôm 25-7. Ảnh: RT
Sahand là tàu chiến lớp Moude, có lượng choán nước 2.500 tấn, dài 95 m và có thể chở theo 140 sĩ quan và thủy thủ.
Con tàu được trang bị radar tầm xa, hệ thống tác chiến điện tử và mồi bẫy, súng hải quân, đại bác và súng máy cũng như tên lửa hạm đối không và hạm đối hạm cùng với ngư lôi dùng cho tác chiến chống ngầm.
Bên cạnh đó, Sahand còn có chỗ đáp trực thăng trên khoang nhưng dường như con tàu không mang theo chiếc trực thăng nào trong chuyến hành trình xuyên đại dương lần này.
Trong khi đó, Makran là một loại tàu chiến mới, được các nhà đóng tàu Iran cải tiến từ một tàu chở dầu. Được đưa vào hoạt động từ tháng 1, con tàu dài hơn 230 m, nặng hơn 111.000 tấn, đóng vai trò như một căn cứ di động trên biển cho các hoạt động hải quân tầm xa và có thể chở nhiên liệu, vật tư, vũ khí cùng nhiều loại thiết bị khác nhau.
Ngoài ra, Makran còn được bổ sung thêm các tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu lặn, máy bay không người lái và trực thăng, cũng như radar và tên lửa hành trình hải quân Qadir và Abu-Mahdi.
Về lý thuyết, tàu Markan có thể mang theo hầu hết mọi vũ khí cơ động trên bộ được phát triển cho quân đội Iran, lực lượng phòng thủ bờ biển hoặc phòng không, gồm cả hệ thống tên lửa tiên tiến Khordad đã từng bắn hạ một máy bay không người lái trị giá 220 triệu USD của Mỹ trên eo biển Hormuz vào tháng 6-2019.
Việc triển khai song song cả tàu Sahand và Makran cho chuyến hải trình dài ngày lần này dường như chứng tỏ Iran đã vươn tới khả năng khuếch trương sức mạnh ra toàn cầu, theo Sputnik.