Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 26-7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã lần đầu tiên đưa cho Mỹ một danh sách các lằn ranh đỏ và biện pháp khắc phục mà nước này phải thực hiện để "sửa chữa" quan hệ, theo tờ South China Morning Post.
Cụ thể, ông Tạ cho biết Trung Quốc đã đưa cho Mỹ hai danh sách. Một là các hành động Washington cần làm để giải quyết các xung đột với Trung Quốc, và danh sách còn lại là một loạt mối quan tâm chính của Bắc Kinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC
Các biện pháp Bắc Kinh đưa ra bao gồm dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nhiều quan chức Trung Quốc và từ bỏ yêu cầu dẫn độ đối với giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của công ty Huawei.
Cụ thể, Bắc Kinh yêu cầu Washington dỡ bỏ các hạn chế về thị thực đối với sinh viên và các đảng viên Trung Quốc cũng như gia đình họ; dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với lãnh đạo, quan chức chính phủ và các cơ quan của Trung Quốc; bỏ các hạn chế đối với các Viện Khổng Tử và các công ty Trung Quốc; hủy bỏ các phán quyết xác định truyền thông Trung Quốc là "phái bộ nước ngoài"; và hủy bỏ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu khỏi Canada.
Nội dung trong danh sách các mối quan tâm của Bắc Kinh bao gồm giải quyết việc đối xử bất công với công dân của họ, quấy rối đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc, loại bỏ định kiến đối với người châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Ông Xie cho biết phía Trung Quốc cũng không hài lòng trước những nhận xét và hành động của Mỹ liên quan các cuộc điều tra về nguồn gốc dịch COVID-19, Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông.
Danh sách này được đưa ra sau khi ông Tạ cáo buộc Mỹ đã làm leo thang căng thẳng giữa hai nước và đề nghị phía Washington thôi "tưởng tượng" Bắc Kinh là kẻ thù.
Cuộc đối thoại ngày 26-7 diễn ra sau chuyến thăm của bà Sherman tới Nhật, Hàn Quốc và Mông Cổ - nơi bà tìm cách nhấn mạnh cam kết của Washington với các đối tác trong khu vực nhằm "thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Theo giới phân tích, cuộc gặp sẽ không tạo ra bất kỳ bước phát triển đột phá nào trong quan hệ Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, nó vẫn có ý nghĩa quan trọng, giúp xoa dịu căng thẳng gây ra sau cuộc gặp vào tháng 3 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và quan chức chính sách đối ngoại cấp cao nhất của Trung Quốc Dương Khiết Trì.