Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu tuần (26/7) có những biến động hẹp trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các chỉ số đều mở cửa phiên giao dịch trong sắc đỏ trước áp lực bán mạnh ở nhiều cổ phiếu này, dù có một vài thời điểm xuất hiện nỗ lực hồi phục nhưng đều thất bại. Áp lực bán vẫn chiếm ưu thế hoàn toàn nên phần lớn thời gian của phiên giao dịch, các chỉ số đều biến động dưới mốc tham chiếu.
Trong phiên chiều, nỗ lực hồi phục đã thành công khi một số cổ phiếu trụ cột bật tăng trở lại và VN-Index cùng HNX-Index cũng được kéo lên trên mốc tham chiếu. Trong khi đó, UPCoM-Index giao dịch ở dưới mốc tham chiếu trong suốt phiên do thiếu vắng lực đỡ từ các mã có yếu tố dẫn dắt.
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu trong phiên 26/7 biến động theo chiều tích cực. Trong đó, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành như Công nghệ thông tin, Sản phẩm cao su, Nhựa - Hóa chất hay Chế biến thủy sản đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, FPT, VNM hay GVR có đóng góp quan trọng trong việc giúp VN-Index chốt phiên trong sắc xanh. FPT tăng 3,5%, GVR tăng 4,8%, VNM tăng 1,5%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch cũng có phần tích cực và góp phần lớn trong việc giúp thị trường chung hồi phục. Các mã trụ cột thuộc nhóm ngành này như NVL, PDR, VHM, VIC hay THD đều tăng giá. Trong đó, NVL tăng đến 4,4% lên 107.500 đồng/cp, PDR tăng 2,1% lên 90.500 đồng/cp, VHM tăng 1,9% lên 109.600 đồng/cp, THD tăng 0,3% lên 206.500 đồng/cp còn VIC tăng 0,2% lên 104.200 đồng/cp.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng tăng giá mạnh như VC3, PTL, NLG, LHG, DIG, IJC, SZC, HDG… Trong đó, VC3 và PTL đều được kéo lên mức giá trần. NLG tăng 6,2% lên 42.050 đồng/cp, LHG tăng 5,4% lên 51.000 đồng/cp, DIG tăng 4,9% lên 24.650 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá sâu ở phiên này. KHG tiếp tục chuỗi ngày điều chỉnh khi giảm sàn xuống 17.200 đồng/cp, đây cũng là phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu trên. Như vậy, thị giá của KHG đã mất 27% sau 3 phiên giao dịch vừa qua. Bên cạnh đó, DXS cũng giảm 3,5% xuống 27.500 đồng/cp.
BCM và VRE là 2 mã bất động sản vốn hóa lớn còn giảm giá ở phiên 26/7, trong đó, BCM giảm 1,6% xuống 41.000 đồng/cp và VRE cũng giảm 0,9% xuống 26.750 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,88 điểm (0,31%) lên 1.272,71 điểm. Toàn sàn có 190 mã tăng, 182 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,1 điểm (0,37%) lên 302,88 điểm. Toàn sàn có 95 mã tăng, 92 mã giảm và 181 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,59%) xuống 83,87 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên cuối tuần trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị khớp lệnh đạt 16.400 tỷ đồng, giảm 21%.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng hơn 60 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 26/7. Trong đó, KDH và VIC là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại, trong đó, KDH bị bán ròng 100 tỷ đồng và VIC là 37 tỷ đồng. Chiều ngược lại, NVL, VHM, NLG, HDG và AGG là các mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại. Trong đó, NVL được mua ròng 81 tỷ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục nhẹ với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với diễn biến thị trường. VN-Index như đã nhận định trong các phiên trước vẫn đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật với nền tảng thanh khoản thấp, điều thường thấy sau một nhịp điều chỉnh mạnh. Dự báo, trong phiên giao dịch 27/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục với target là ngưỡng kháng cự vừa mang tính tâm lý lẫn kỹ thuật quanh 1.300 điểm.
Xem thêm: lmth.31650000042210202-7-62-neihp-gnort-cuc-hcit-gnod-neib-sdb-ueihp-oc-ueihn/nv.semitaer