Người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trường tiểu học Trung Nhất, quận Phú Nhuận, TP.HCM trưa 24-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bản tin 6h ngày 27-7 có 2.764 ca mắc mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 2.762 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.849), Đồng Tháp (149), Tây Ninh (144), Đồng Nai (119), Bình Dương (87), Vĩnh Long (73),
Tiền Giang (63), Bến Tre (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (52), An Giang (43), Phú Yên (37), Khánh Hòa (26), Cần Thơ (17), Đắk Lắk (11), Kiên Giang (11), Hậu Giang (7), Hà Nội (4), Bình Định (4), Trà Vinh (3), Huế (2), Cà Mau (1) trong đó có 538 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 27-7, Việt Nam có tổng 109.111 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 106.908 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 105.338 ca, trong đó có 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang.
Bộ Y tế cũng cho biết tại TP.HCM, chủ trương mới là chuyển chiến lược sang điều trị, theo hướng tập trung các nguồn lực, tổ chức khoa học để điều phối hiệu quả công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.
Tại tỉnh Tây Ninh, ngày 26-7 Sở Y tế Tây Ninh có thông báo khẩn về chuyển tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tính đến ngày 25-7, qua các đợt tiêm chủng, cả nước đã tiêm được trên 4.746.640 liều (tăng trên 109.230 liều so với ngày trước đó), trong đó có trên 4.323.570 người đã được tiêm 1 liều vắc xin và trên 423.070 người tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Thế giới gần 195 triệu ca COVID-19
Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 194,8 triệu ca, trong đó hơn 4,1 triệu ca tử vong và hơn 176,8 triệu trường hợp hồi phục. Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 427.948 ca nhiễm COVID-19 mới, tập trung nhiều nhất tại Indonesia (38.679 ca), tiếp theo là Ấn Độ (38.153 ca), Anh (29.173 ca), Iran (27.146 ca)...
Những ngày gần đây, Indonesia đang trở thành tâm dịch COVID-19 ở châu Á và nhiều chuyên gia cảnh báo, tình hình đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta. Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Con số này tại Indonesia cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể.
Tại châu Âu, sự lây lan biến thể Delta đang trở thành mối quan ngại của nhiều quốc gia. Trong ngày 26/7, Hạ viện Pháp đã thông qua dự thảo luật nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4 bùng phát do sự lây lan của biến thể Delta, trong đó có nội dung bắt buộc đội ngũ nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Tại Anh, các nhà khoa học cảnh báo, nước này có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới làm suy yếu hiệu quả phòng bệnh của vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ có thể khiến số ca mắc Covid-19 mới tăng tới 100.000 ca/ngày vào mùa Hè này.
Trước đó sáng 26-7, trong phiên thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị cần sớm đẩy nhanh thử nghiệm, cấp phép với vắc xin nội và mở thêm loại hình tiêm dịch vụ để người dân được tiếp cận tiêm vắc xin, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
"Khi đạt miễn dịch cộng đồng thì kinh tế của ta sẽ sớm hồi phục và phát triển, tỉ lệ người dân tiêm vắc xin tăng thì ca nhiễm giảm và cũng giảm tối đa ca tử vong", ông nhấn mạnh.
Tại TP.HCM, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 1-8. Để thực hiện triệt để hơn nữa việc giảm mật độ lưu thông trên đường, từ ngày 26-7 đến ngày 1-8, TP yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h hàng ngày, trừ một số trường hợp được cho phép.
Sau chuyến tàu vận chuyển hơn 700 người dân từ TP.HCM về Hà Tĩnh, sắp tới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục tổ chức chạy các đoàn tàu vận chuyển người dân các tỉnh miền Trung đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê.
Theo dự kiến, tàu HUE2 sẽ xuất phát đưa 320 người từ TP.HCM về Huế lúc 15h20 ngày 27-7 và tàu SE18 sẽ xuất phát đưa 400 người về ga Quảng Trị lúc 15h5 ngày 29-7.
Bên cạnh đó, ngành đường sắt còn nhận vận chuyển miễn phí đối với các đoàn y, bác sĩ được cử vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam tham gia hỗ trợ chống dịch.
TTO - 34 chuỗi lây nhiễm trong TP.HCM đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt. Trong ngày 25-7, TP có thêm 2.115 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 14.704.