Với nhân lực, vật lực được bổ sung, các bệnh viện (BV) dã chiến đều hoạt động ổn định, TP.HCM đang kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh nhân (BN), ngăn chặn kịp thời các ca trở nặng.
17 người từng nguy kịch tại BV hồi sức COVID-19 xuất viện
Chiều 26-7, BV hồi sức COVID-19 đã trao giấy chứng nhận xuất viện cho 17 ca bệnh.
BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV hồi sức COVID-19, cho biết BV chủ yếu tiếp đón BN nặng và nguy kịch. Đến nay, BV đã tiếp nhận 400 BN trong tổng số 460 giường bệnh hiện có. Trong đó có 83 BN được chuyển từ độ nguy kịch sang độ vừa và nhẹ. Ngày 26-7, BV vui mừng tiễn 17 BN hoàn toàn hồi phục và xuất viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao giấy chứng nhận xuất viện cho bệnh nhân khỏi bệnh tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 vào chiều 26-7.
Ảnh: HOÀNG LAN
Các BN đều được xét nghiệm PCR có chỉ số CT >30 (chỉ số đo nồng độ virus), đủ tiêu chuẩn xuất viện.
Theo BS Thức, trong tuần tới, BV tiếp tục triển khai thêm 700 giường bệnh và tăng cường trang thiết bị máy thở, máy ECMO, máy lọc máu để chữa trị BN nặng. Hiện nguồn nhân lực chủ lực của BV là của BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định và BV Nhân dân 115. BV mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhân lực của Sở Y tế cũng như Bộ Y tế để mở rộng quy mô tiếp nhận người bệnh kịp thời.
Có mặt tại lễ xuất viện và trao giấy chứng nhận cho các BN, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch COVID-19, chia sẻ: “Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với các BN cũng như của BV hồi sức COVID-19. Chỉ trong một thời gian ngắn tiến hành công tác thu nhận, cứu chữa cho các BN COVID-19 rất nặng, nguy kịch của TP.HCM, BV đã thu được những “quả ngọt” ban đầu”.
Cũng theo ông Sơn, có được thành quả này là nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm từ các cấp lãnh đạo TP cho đến Chính phủ, Bộ Y tế đã sớm xây dựng và có những giải pháp về nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế ban đầu, hình thành nên một cơ sở y tế hiện đại, giúp giành lại mạng sống cho nhiều BN nặng và nguy kịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), riêng ngày 25-7 có 2.115 BN xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu đến sáng 26-7 là 14.704 người.
Một ngày, Việt Nam có hơn 2.000 người khỏi COVID-19 Ngày 26-7, Việt Nam có 2.006 người được công bố khỏi COVID-19. Tổng số ca được điều trị khỏi là 21.344. Số BN nặng đang điều trị ICU là 126 BN. Số BN nguy kịch đang điều trị ECMO là 15 BN. |
Từ trưa 22 đến 26-7, TP.HCM đã tiêm vaccine cho hơn 170.000 người
Cùng chiều 26-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã chủ trì buổi họp báo về công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 đợt 5 trên địa bàn TP.
Ông Dương Anh Đức cho biết đợt 5, TP sẽ tiêm ba loại vaccine là AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Vaccine sau khi về đến kho của Bộ Y tế tại Viện Pasteur TP.HCM thì sẽ chuyển về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), kế đến chuyển về kho của các quận, huyện. Trong đó, vaccine của AstraZeneca có thể tiêm ngay, còn Pfizer phải làm nguội bớt mới được tiêm và phải tiêm trong ngày.
Theo ba quyết định của Bộ Y tế, TP.HCM được cấp tổng số 902.790 liều vaccine, trong đó 612.600 liều AstraZeneca, 235.200 liều Moderna và 54.990 liều Pfizer. Hiện số liều vaccine AstraZeneca và Moderna đã về đủ ở Viện Pasteur TP.HCM, còn Pfizer mới về 25.740 liều.
TP đã cấp cho các quận, huyện, BV tại TP 432.718 liều cả ba loại vaccine để chuyển cho các đơn vị tổ chức tiêm và sẽ tiếp tục chuyển về để đảm bảo lưu trữ theo đúng quy định.
Ông Dương Anh Đức thông tin chiến dịch tiêm vaccine đợt 5 đã được bắt đầu từ 14 giờ ngày 22-7, đến trưa 26-7, TP.HCM đã tiêm 170.177 liều tại các điểm tiêm ở trung tâm y tế, cộng đồng, BV.
Trong quá trình tiêm, ghi nhận 189 trường hợp có phản ứng sau tiêm nhưng chưa có trường hợp nào thực sự nặng, tất cả đều đã được xử lý ổn. “Phần lớn người có phản ứng là người được tiêm trong BV, vì đây là những người trên 65 tuổi và người có bệnh nền” - ông Đức nói thêm.
Về công tác tổ chức tiêm, TP đã có 606 đội tiêm vaccine, chưa kể các đội tiêm chuyên trách của các BV. Trong những ngày qua, tốc độ tiêm đang tăng dần. “Đến hôm nay, TP đã đạt được tốc độ tối đa là 60% so với dự kiến, từ ngày mai sẽ tăng tốc dần lên. Khi đạt được đầy đủ công suất thì có thể đạt 100.000 mũi tiêm/ngày” - ông Đức thông tin và khẳng định so với đợt 4 thì lần này có thể tổ chức tiêm nhanh hơn.
Đã có hơn 1.300 lượt tình nguyện viên tiếp sức TP.HCM chống dịch Hưởng ứng lời kêu gọi tình nguyện viên chung tay góp sức chống dịch COVID-19 của Sở Y tế TP.HCM và thứ trưởng Bộ Y tế, theo thống kê, đến 17 giờ ngày 25-7 đã có hơn 1.300 lượt đăng ký. Trong đó, bác sĩ có trình độ đại học gần 300 người, 200 dược sĩ, các ngành nghề khác gần 700 người. Độ tuổi người tham gia tình nguyện viên rất phong phú, trong đó dưới 20 tuổi là 47 người, 20-50 tuổi có 1.197 người, 94 người trên 50 tuổi. Chủ yếu những tình nguyện viên này hiện đang sinh sống tại TP.HCM. Trong ngày 26-7, TP.HCM và Sở Y tế phân bổ số nhân lực tình nguyện này đến các cơ sở điều trị và các quận, huyện có nhu cầu về nhân lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP. Trước đó, ngày 24-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, đã có thư ngỏ gửi các đồng nghiệp tại TP.HCM cùng tham gia chống dịch. Người tình nguyện tham gia chống dịch có thể đăng ký với Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM theo số điện thoại: 02839309967 hoặc 0907.574.269. |