Jerome Powell, chủ tịch Fed, đang đối mặt sự rạn nứt ngày càng tăng giữa các quan chức hàng đầu tại ngân hàng trung ương Mỹ về việc khi nào bắt đầu siết chương trình bơm tiền khổng lồ được triển khai để ứng phó ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế.
Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đồng thuận về sự cần thiết phải ngăn đà suy giảm kinh tế bằng cách giữ lãi suất thấp, đồng thời mua 120 tỷ USD tài sản mỗi tháng. Tuy nhiên, với nền kinh tế đang dần phục hồi sau khi các hạn chế xã hội được dỡ bỏ – dẫn đến lạm phát tăng mạnh – cuộc tranh luận về thời điểm phù hợp để bắt đầu siết chương trình mua tài sản ngày càng căng thẳng.
Cuộc tranh luận này bắt đầu tháng trước và dự kiến tiếp tục leo thang khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, họp ngày 27 – 28/7.
Powell sẽ phải tìm ra điểm chung giữa những quan chức thúc đẩy siết hỗ trợ sớm hơn, mạnh tay hơn (phe diều hâu) và nhóm thận trọng trước sự thay đổi chính sách quá nhanh (phe bồ câu). Nếu Fed chọn cách tiếp cận thận trọng, việc giảm quy mô mua tài sản sẽ không xảy ra trước đầu năm 2022. Ngược lại, Fed có thể hành động từ mùa thu năm nay.
Dưới đây là các phe trong Fed khi ngân hàng trung ương Mỹ chuẩn bị cho sự thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ. Powell có quan điểm phần nào nghiêng về bồ câu nhưng nhiều quan chức khác lại nghiêng về diều hâu.
Phe bồ câu
Theo chiều kim đồng hồ, từ trên cùng bên trái là Lael Brainard, Mary Daly, Michelle Bowman, John Williams, Neel Kashkari và Charles Evans. Ảnh: Bloomberg/Getty Images.
Phe bồ câu tại Fed giữ quan điểm còn quá sớm để cân nhắc siết chính sách hỗ trợ, bởi vẫn còn gần 7 triệu người thất nghiệp so với tháng 2. Họ tin rằng áp lực lạm phát hiện tại sẽ giảm dần theo thời gian và lo ngại liên quan nền kinh tế, trong bối cảnh biến chủng Delta đang lây lan đáng báo động cùng tỷ lệ tiêm chủng thấp tại một số bang ủng hộ đảng Cộng hòa cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
Neel Kashkari của Fed Minneapolis, không phải là thành viên bỏ phiếu tại FOMC cho đến năm 2023, nằm trong nhóm “bồ câu nhất”. Trả lời phỏng vấn Reuters trong tháng 6, ông đưa ra kịch bản Fed giữ nguyên quy mô chương trình mua trái phiếu cho đến khi triển vọng kinh tế rõ ràng hơn, giữ lãi suất cận 0 ít nhất đến cuối năm 2023 để “thực sự đạt tối đa việc làm”.
Thống đốc Michelle Bowman, có quyền bỏ phiếu tại mỗi cuộc họp của FOMC, có lập trường tương tự, nêu ra sự chênh lệch kinh tế lớn đang ảnh hưởng đến người lao động thu nhập thấp và người da màu – điều được bà mô tả là cản trở tiến triển hướng tới tối đa hóa việc làm.
Thống đốc Lael Brainard và chủ tịch Fed New York John Williams, đều có quyền bỏ phiếu, cũng ủng hộ quan điểm trên.
Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly gần đây cho biết sự bất đồng xuất hiện tại Fed vào giai đoạn này là điều bình thường.
“Các bước ngoặt đều rất khó”, bà nói hồi đầu tháng. “Bạn có một số dữ liệu có vẻ tốt. Bạn có các nguy cơ vẫn hiện hữu… và mọi người ở nhiều khu vực khác nhau hoặc có cái nhìn khác nhau. Tất cả đều cần tính đến”.
Phe diều hâu
Theo chiều kim đồng hồ, từ trên cùng bên trái là Raphael Bostic, James Bullard, Esther George, Eric Rosengren, Robert Kaplan và Patrick Harker. Ảnh: FT. |
Phe diều hâu tại Fed thận trọng trước việc phớt lờ số liệu lạm phát cao quá sớm, đặc biệt là sau khi số liệu gần đây không chỉ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 mà áp lực còn vượt ra ngoài những yếu tố tạm thời như giá xe hơi đã qua sử dụng.
Nhóm này dự báo lạm phát – phản ánh qua thông qua thước đo ưa thích của Fed là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – sẽ vượt xa mục tiêu dài hạn 2% trong năm nay và năm sau, đồng nghĩa ngân hàng trung ương Mỹ cần thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn so với phe bồ câu muốn.
Họ lo ngại Fed có thể bị bất ngờ nếu xu hướng giá tăng kéo dài, sẽ buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải can thiệp đột xuất hơn, mạnh tay hơn để thắt chặt chính sách – một động thái gây gián đoạn nhiều hơn cho nền kinh tế và thị trường tài chính.
Robert Kaplan, chủ tịch Fed Dallas và là một trong những người có tiếng nói nhất trong phe diều hâu, ủng hộ Fed sớm bắt đầu siết chương trình mua trái phiếu.
Ông còn là người thúc đẩy giảm nhanh quy mô mua chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp do chúng thúc đẩy một cách không cần thiết xu hướng bùng nổ thị trường nhà ở.
Các quan chức Fed diều hâu thường coi các lo ngại ổn định tài chính là một lý do để hành động sớm còn hơn là muộn.
Phe trung lập
Theo chiều kim đồng hồ, từ trên cùng bên trái là Randal Quarles, Tom Barkin, Richard Clarida, Loretta Mester, Jerome Powell và Christopher Waller. Ảnh: FT. |
Phe trung lập tại Fed đều hiểu sức mạnh đà phục hồi kinh tế và lạm phát tăng, cũng như sự bất ổn của triển vọng và nguy cơ một đợt bùng phát Covid-19 nữa làm suy giảm hoạt động.
Họ cũng nhấn mạnh sẽ linh hoạt tùy theo số liệu trong những tháng tới do có những rủi ro đang phát triển ở cả hai phe.
Họ cảm thấy ít thuyết phục về nhu cầu phải lập tức siết chính sách hỗ trợ nhưng chấp nhận rằng các điều kiện để bắt đầu điều chỉnh sẽ sớm xuất hiện, với tốc độ rất từ từ và được báo trước.
Các lãnh đạo tại Fed gần như đón nhận hoàn toàn quan điểm này. Powell nghiêng về phe bồ câu hơn trong khi phó chủ tịch Fed Richard Clarida, phó chủ tịch phụ trách giám sát Randal Quarles có thể muốn sớm thắt chặt hơn, theo giới quan sát Fed.
“Sẽ là sai lầm nếu hành động quá sớm”, Powell cho biết trong một phiên điều trần trước quốc hội. “Không cách này thì cách khác, chúng ta sẽ không bước vào một giai đoạn lạm phát cao, kéo dài bởi vì chúng tôi có công cụ để ứng phó. Nhưng chúng tôi không muốn dùng chúng một cách không cần thiết hoặc gây gián đoạn đà phục hồi kinh tế”.
Xem thêm: nhc.18045939072701202-def-o-uah-ueid-uac-ob-uad-couc/nv.fefac