17 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trên đám ruộng của người dân An Khê cuối năm 2020 từ thông tin các cựu binh VNCH cung cấp - Ảnh: B.D.
Vì sợ hãi, vì quá ám ảnh mà nhiều người phía bên kia vẫn chôn giấu bí mật. Bối cảnh hiện nay đã rất khác, không những được trả công xứng đáng mà những mẩu tin của nhân chứng sẽ giúp các gia đình có cơ hội đoàn tụ, và cao hơn cả đó là việc nhân nghĩa, tình người.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch
Người đàn ông khắc khổ đứng lặng lẽ thắp nhang trước dãy hài cốt liệt sĩ vừa được cất bốc tại rải rác ruộng vườn người dân thị xã An Khê (Gia Lai).
Ông lặng người trong chốc lát rồi đưa tay lau những giọt nước mắt. "Phải chi tôi nói ra sự thật sớm hơn thì có lẽ sẽ có thêm nhiều hài cốt được đoàn tụ với gia đình. Nhưng tôi sợ!" - ông Huỳnh Văn Sỹ (72 tuổi, hiện sống tại tổ 4, xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) bùi ngùi.
Buổi chiều kinh hoàng bên cầu Suối Vối
Ông Sỹ từng là một cựu binh Việt Nam cộng hòa (VNCH), từng đào hố chôn cất nhiều thi thể bộ đội quân giải phóng, trong đó có một hố chôn tập thể vừa được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai cất bốc thành công từ sự chỉ dẫn của ông.
Ông Sỹ cho biết ông bị bắt đi lính chế độ cũ và biên chế vào chiến trường Gia Lai, Kon Tum năm lên 18 tuổi. Tuy nhiên, trong một lần sơ hở của trại lính, ông nhảy xe thùng trốn thoát được và về lại gia đình.
Năm 1967-1968, lúc đó ông Sỹ tròn 20 tuổi thì chiến trường Gia Lai, Kon Tum bước vào giai đoạn khốc liệt. Một lần nữa ông lại bị đưa vào trại lính.
Nhưng may mắn hơn nhiều người khác, ông được phân làm phục dịch tại đơn vị đồn trú của lính Mỹ và lính VNCH nằm ở trung tâm quận An Túc (nay là thị xã An Khê).
Trong thời gian này, ông Sỹ phải chứng kiến những câu chuyện khủng khiếp về những thùng xe tải chở thi thể bộ đội giải phóng hy sinh đưa về sân doanh trại.
Người cựu binh kể lại câu chuyện hãi hùng mà ông đã bí mật giữ nửa đời người: Vào năm 1967, một chiếc xe quân sự chất thi thể bộ đội giải phóng hy sinh trên đèo Mang Yang chạy về rồi trút xuống khoảng sân nơi doanh trại ông Sỹ phục dịch.
Không muốn chứng kiến những cảnh tượng đau khổ của chiến tranh này, ông Sỹ đã cố tránh né nhưng bất ngờ viên thiếu tá chỉ huy gọi ông lên rồi ra lệnh đưa số thi thể kia đi chôn.
"Tôi đếm được tổng cộng 25 thi thể chiến sĩ cách mạng. Đi chôn số thi thể ngày hôm ấy ngoài tôi ra còn có hai người khác. Phải dùng tới hai mảnh bạt quấn lại thành hai bó, một bó 13 thi thể và bó kia 12 bộ thì số hài cốt mới an táng hết.
Đợi chạng vạng tối chúng tôi cho xe bí mật ra khoảnh đất nằm kế bên Suối Vối (tổ 1, phường Ngô Mây, An Khê) đào một hố lớn rồi lấp lại. Từ đó đến nay vì sợ hãi nên tuyệt đối không ai trong ba anh em tôi nhắc lại một câu gì, ai cũng coi như không hề biết việc đó" - ông Sỹ kể.
Đội cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai tìm kiếm hài cốt trên ruộng vườn ở thị xã An Khê - Ảnh: B.D.
Trút bỏ gánh nặng
Người cựu binh VNCH nói rằng sau giải phóng, ông về ngôi nhà hiện nay đang ở rồi lấy vợ, sinh con, sống như một người dân bình thường.
Có nhiều người biết ông từng làm lính trong chế độ cũ, nhưng không ai biết chuyện ông đã trực tiếp đào hố chôn cất 25 thi thể bộ đội cách mạng. Với thân phận của mình, ông cũng tuyệt đối không hé nửa lời về ký ức chiến tranh. Ông sợ!
Nhưng bí mật ấy của ông Sỹ đã được mở gói trong một lần chính quyền xuống dân vận động cung cấp thông tin phục vụ quy tập hài cốt liệt sĩ. Những lời trấn an, động viên đã làm ông bớt sợ hãi. Rồi một hôm ông quyết định nói ra bí mật.
Thượng tá Nguyễn Thành Nam, chính trị viên Thị đội An Khê, nói rằng ngay cả khi ông Sỹ được mời ra trụ sở Thị đội An Khê, được các sĩ quan chỉ huy gợi mở và động viên thì ông vẫn còn sợ hãi. Phải hai ba lần tiếp chuyện, ông Sỹ mới dám nói ra mình từng chôn 25 thi thể bộ đội giải phóng.
Ngày 20-10-2018, một đợt cất bốc quy mô lớn của Đội K52 (Gia Lai) và Thị đội An Khê được tổ chức trên đám đất sát Suối Vối. 25 bộ hài cốt với các mốc thông tin, vị trí, đặc điểm nhận dạng hoàn toàn trùng khớp với những gì ông Sỹ cung cấp cho lực lượng tìm kiếm trước đó.
Ông Sỹ được mời chứng kiến quá trình đưa các hài cốt lên. Những giọt nước mắt đã rơi sau mấy chục năm nặng trĩu ôm bí mật mà không dám giãi bày cùng ai.
"Từ lúc đó tôi ngủ ngon, đầu óc lúc nào cũng thanh thản. Tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh một bà mẹ Việt Nam anh hùng có con là liệt sĩ hy sinh chưa tìm thấy hài cốt, khi nghe câu chuyện của tôi thì bà giọng khẩn thiết: Con chỉ chỗ con trai mẹ đang nằm để đưa em nó về, tội lắm" - ông Sỹ trăn trở.
Ông Lê Quý từng là cảnh sát viên quận An Túc, tỉnh Bình Định (nay là thị xã An Khê) cung cấp thông tin vị trí mộ liệt sĩ - Ảnh: B.D.
Bước ngoặt lớn
Chuyện ông Sỹ chỉ dẫn và khai quật 25 hài cốt liệt sĩ vào cuối năm 2018 không chỉ giúp những người lính đoàn tụ với gia đình sau hàng chục năm nằm dưới lòng đất, mà còn cởi nút thắt cho một câu chuyện nghẹn ngào khác: thôi thúc người dân, trong đó có nhiều người ở chế độ cũ từng sống ở An Khê cung cấp thông tin quý giá phục vụ tìm kiếm liệt sĩ.
Ông Lê Quý, hiện 85 tuổi, sống tại tổ 2, phường An Bình, từng là cảnh sát viên quận An Túc, tỉnh Bình Định (nay là thị xã An Khê). Ông từng nhiều lần chứng kiến cảnh xe tải VNCH chở thi thể bộ đội giải phóng về trút xuống các hố tập thể quanh thị xã An Khê những năm chiến tranh.
Khi thấy ông Huỳnh Văn Sỹ cung cấp thông tin cho chính quyền quy tập, ông Quý đã chủ động nói ra những bí mật ấy. Một trường hợp khác là ông Nguyễn Thiệt (74 tuổi, phường Tây Sơn), từng làm lính nghĩa quân trong chế độ cũ tại An Khê, cũng đã cung cấp thông tin để cất bốc 2 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp...
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết chỉ trong vòng 2 năm từ 2018-2019, đã có hơn 200 hài cốt liệt sĩ nằm lại tại đất An Khê được cất bốc, mai táng.
Đa số là từ nguồn cấp tin của người dân. Cuối tháng 7-2020, lại có thêm 17 hài cốt liệt sĩ được đưa lên từ lòng đất từ thông tin chỉ dẫn của các nhân chứng từng hoạt động bên kia chiến tuyến.
"Vì sợ hãi, vì quá ám ảnh mà nhiều người phía bên kia vẫn chôn giấu bí mật. Bối cảnh hiện nay đã rất khác, không những được trả công xứng đáng mà những mẩu tin của nhân chứng sẽ giúp các gia đình có cơ hội đoàn tụ, và cao hơn cả đó là việc nhân nghĩa, tình người" - bà Lịch nói.
Lặng lẽ làm đám giỗ cho liệt sĩ
Nhiều cựu binh VNCH cho biết hàng chục năm qua họ vẫn âm thầm thắp hương, làm lễ giỗ, chiêu hồn vong linh các liệt sĩ trong lúc đợi hài cốt các anh được đưa về gia đình.
Ông Lê Quý cho biết ông là chủ tế của đền Tú Thủy, phường An Bình. Vào ngày cúng đình hay dịp cúng Thanh minh và 27-7, ông đều ra các khu đất có mộ liệt sĩ chưa được cất bốc để cầu siêu, thắp hương cho hương hồn các anh bớt cô quạnh.
Còn cựu binh Huỳnh Văn Sỹ cho biết sau hôm bộ đội xuống cất bốc 25 thi thể mà ông từng trực tiếp đào hố chôn năm 1967, ông trở về nhà và bàn với người em trai sắm lễ, thắp hương làm đám giỗ chung cho các liệt sĩ.
Trước lúc quy tập, thỉnh thoảng ông tự mua hương, hoa quả rồi ra lặng lẽ vái lạy các vong linh liệt sĩ để lòng nhẹ nhõm hơn.
TTO - Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư tri ân gửi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Xem thêm: mth.23982247162701202-em-tad-ev-hna-cac-aud/nv.ertiout