Một nhóm nhà khoa học quốc tế do một GS giảng dạy tại trường ĐH Harvard (Mỹ) dẫn đầu sẽ bắt đầu dự án tìm kiếm bằng chứng về "các nền văn minh của người ngoài hành tinh" ở ngoài không gian.
Theo hãng tin Sputnik, dự án được đặt tên là Galileo, do TS Avi Loeb, GS thuộc Khoa Thiên văn học của ĐH Harvard, dẫn đầu.
Nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo để tìm hiểu dữ liệu từ các cuộc khảo sát thiên văn trước đó để tìm kiếm dấu vết của người ngoài hành tinh giữa các vì sao, dấu vết về những nền văn minh do người ngoài hành tinh xây dựng nên và các hiện tượng trên không không xác định (UAP).
“Khoa học không nên bác bỏ những lời giải thích tiềm tàng về người ngoài hành tinh vì sự kỳ thị của xã hội hoặc do các nghiên cứu này không có lợi cho phương pháp khoa học tìm hiểu thực nghiệm” - GS Loeb nhận định.
Một giáo sư của trường ĐH Harvard sẽ dẫn đầu nhóm nghiên cứu tìm kiếm dấu vết của người ngoài hành tinh. Ảnh: SPUTNIK
"Ở thời điểm hiện tại, chúng ta phải 'dám nhìn qua ống kính thiên văn mới', theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng" - ông nói thêm.
GS Loeb từng cho rằng con người đã bắt gặp các ví dụ về công nghệ của người ngoài hành tinh sau khi một vật thể vũ trụ kỳ lạ tên Oumuamua bay ngang qua Trái đất vào năm 2017, sau đó được xác định là một sao chổi hoặc tiểu hành tinh.
Vào năm 2020, ông Loeb là một trong số những người tuyên bố rằng Oumuamua có thể là thiết bị du hành vũ trụ được công nghệ của người ngoài hành tinh chế tạo nên.
"Chúng tôi chỉ có thể suy đoán liệu Oumuamua có thể được giải thích bằng những lời giải thích tự nhiên chưa từng thấy trước đây, hay bằng cách mở rộng trí tưởng tượng của chúng tôi để nghĩ rằng Oumuamua là một vật thể công nghệ ngoài Trái đất" - GS Loeb chia sẻ thêm.
Dự án Galileo dường như được lấy cảm hứng từ Oumuamua, cuộc nghiên cứu sẽ đặc biệt tập trung vào việc “tìm kiếm và kiểm tra các vật thể trôi nổi giữa các vì sao giống Oumuamua", Sputnik dẫn thông tin trên trang web ĐH Harvard.