Giá cước giao hàng "leo thang", các ứng dụng cho biết nguyên nhân do thiếu tài xế nhưng nhu cầu khách tăng vọt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Gửi một số thực phẩm gạo và bí đỏ lên cho con trai ở trên đường Hồng Hà (Q.Phú Nhuận) vào sáng ngày 27-7, bà Phạm Thị Tý (đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh) cho biết đặt ứng dụng giao hàng của Ahamove khá sốc với giá cước vận chuyển đã tăng gấp đôi so với trước đây.
Với khoảng cách 4.6km, mới mấy ngày trước bà gửi hàng lên đường Hồng Hà chỉ 20.000 - 24.000 đồng nhưng sáng nay đã tăng vọt lên 52.000 đồng.
"Phí ship hàng tăng gần đôi so với mấy ngày gần đây thôi. Grab cũng neo giá 51.000 đồng. Vừa thoát ra, vào lại là giá nhỉnh lên mấy ngàn liền. Tôi bất ngờ, giá cước lại tăng mạnh như thế" - bà Tý nói.
Cùng chung nỗi bất ngờ với giá cước giao hàng tăng mạnh, chị Đặng Thanh Mai (Q.Gò Vấp) cho biết tài xế nhận cuốc cũng rất lâu, chị phải đặt nhiều lần mới có tài xế chấp nhận cuốc xe.
Có thùng hàng thực phẩm khoảng 15kg gồm rau củ, thịt vị, gà đóng thùng xốp được người thân gửi xe đến TP.HCM, xuống hàng tại bãi xe Đăng Tâm (QL 1A, Bình Tân), chị Mai đặt tài xế nhận hàng rồi ship đến đường Phan Văn Trị.
Phải mất 10 phút, thử lại vài lần mới có tài xế nhận cuốc với giá cước lên đến 170.000 đồng, thay vì 100.000 đồng như trước đây.
"Tới địa chỉ nhận hàng, tài xế gọi cho tôi thông báo rằng phải mở thùng hàng ra kiểm tra là hàng gì để khi qua chốt kiểm dịch để tiện chứng minh. Còn giá cước vận chuyển tăng quá mạnh. Các hãng xe đang có phải cố tình lợi dụng tình hình dịch bệnh, khó khăn đi lại của hành khách để thổi giá cước lên cao hay không" - chị Mai đặt vấn đề.
Trước vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một ứng dụng công nghệ có thị phần lớn tại Việt Nam, cho biết giá cước tăng giảm theo thuật toán dựa trên một số yếu tố như nhu cầu sử dụng và lượng xe tại thời điểm khách hàng đặt xe.
Hiện các ứng dụng công nghệ cũng đang gặp khó khăn về số lượng tài xế vì nhiều người tắt app, tạm nghỉ để qua dịch mới chạy xe trở lại.
Còn số ít vẫn chạy xe, phía doanh nghiệp công nghệ phải lập danh sách tài xế để đăng ký với Sở Công thương TP.HCM nhằm duy trì, cung cấp dịch vụ vận chuyển thiết yếu.
"Khi nhu cầu tăng mà số lượng tài xế quá ít, giá cước sẽ tăng lên. Tùy theo tài khoản của mỗi khách hàng, chúng tôi có tăng thêm nhiều mã giảm giá như giảm phí 5% hoặc 10% phí vận chuyển. Dịch vụ đi chợ tặng thêm mã giảm 20 - 30% tùy theo giá trị đơn hàng " - vị này nói.
Đại diện hãng Gojek Việt Nam cũng cho hay người dân hạn chế ra khỏi nhà, lượng đơn hàng tăng vọt, nhiều tài xế xe công nghệ lại nằm trong diện cách ly, phong tỏa nên không thể phục vụ đủ nhu cầu của người dân. Những tài xế còn tiếp tục hoạt động thường là đối tượng cực kỳ khó khăn. Họ phải chấp nhận rủi ro để tiếp tục chạy xe kiếm tiền nuôi gia đình.
"Nếu xảy ra trường hợp khó đặt được xe giao hàng hoặc giá cước tăng thì chúng tôi mong nhận được sự thông cảm của người dân" - đại diện Gojek nói.
Trong khi đó, đại diện BeGroup cho biết từ 10h ngày 27-7, tất cả dịch vụ của Be đều tạm ngưng tại TP.HCM và Nội Nội đến ngày 1-8.
Theo quy định mới, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước đây.
Ngoài các giải pháp nhận diện shipper như hiện nay thông qua đồng phục, thùng hàng... các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code.
Bảng tên phải hiển thị đẩy đủ các thông tin về shipper, phương tiện; địa chỉ: công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng; người đặt hàng; lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu; chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyền...
TTO - Chiều 26-7, các ứng dụng công nghệ đồng loạt thông báo tạm tắt dịch vụ giao hàng tại TP.HCM từ 17h - 6h sáng hôm sau cho đến khi có thông báo mới.
Xem thêm: mth.91724812172701202-ig-ion-gnah-cac-aum-yahn-ehgn-gnoc-ex-gnah-pihs-ihp/nv.ertiout