Áp lực lãi vay
Anh N.V.L. (ngụ Q.12, TPHCM) cho biết, vợ chồng anh đang có bốn khoản vay tại ba ngân hàng (NH) với tổng nợ vay gần 3 tỷ đồng. Đây là vốn đầu tư mua xe du lịch để cho thuê, xe bán tải nhỏ để vận chuyển hàng hóa. Khoảng hai tháng nay, vợ chồng anh mất thu nhập vì khu vực gia đình anh sinh sống bị phong tỏa liên tiếp hai đợt. “Hai khoản vay ở NH Thương mại Cổ phần (TMCP) Á châu (ACB) với lãi suất (LS) 9,5% và 11,5%/năm; hai khoản vay ở NH TMCP Quốc tế (VIB) LS là 12,5%/năm… tôi mong được NH giảm LS lắm nhưng tới nay vẫn chưa thấy gì”, anh L. nói.
Hiện mỗi tháng anh L. đang phải đóng tiền gốc và lãi hơn 30 triệu đồng trong khi không có thu nhập. “Khách hàng cá nhân như vợ chồng tôi sắp chết đến nơi. Nếu được thì NH nên hỗ trợ giảm thêm LS hoặc có thể khoanh nợ giúp chúng tôi vài tháng”, anh L. đề xuất. Nhiều khách hàng cá nhân khác đang vay tiền mua xe như vợ chồng anh L. cũng cho biết sắp tới, họ không thể trả nợ khoản vay nữa vì hết khả năng. Trong khoảng hai tháng gần đây, thông tin về việc các NH thanh lý ô tô của khách vay thế chấp để thu hồi nợ cũng được đăng tải ngày càng nhiều hơn.
Các chuyên gia tài chính cho rằng các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay tiêu dùng để kích thích chi tiêu trong thời dịch (ảnh khách hàng làm thủ tục vay vốn ở BIDV - Bảo Minh) |
Vợ chồng chị Nguyễn Kim Oanh (ngụ đường 2, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức) thì đang có khoản vay NH 1,2 tỷ đồng mua căn nhà đang ở. Mỗi tháng vợ chồng chị phải trả tiền gốc lẫn lãi vay xấp xỉ 13 triệu đồng. Trước đợt bùng phát dịch, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 30 triệu đồng/tháng, vừa đủ trả nợ NH và chi phí sinh hoạt của gia đình bốn người (hai vợ chồng, hai đứa con). Dịch xảy ra, chị phải tạm nghỉ công việc giáo viên mầm non tại một trường tư thục. Thu nhập của chồng chị cũng bị giảm hơn 20%, chỉ còn chưa đầy 20 triệu đồng/tháng. Sau khi đóng tiền vay NH, vợ chồng chị còn chưa đầy 7 triệu đồng, không đủ trang trải nhu cầu thiết yếu của gia đình, nhất là thời gian gần đây giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng đáng kể.
“Nhiều lần đọc thông tin thấy NH giảm LS, giãn nợ cho khách hàng nhưng tôi chỉ thấy chủ yếu dành cho khách hàng doanh nghiệp (DN), sao không thấy NH quan tâm hỗ trợ khách hàng cá nhân như tôi?”, chị Oanh đặt câu hỏi.
Giảm, nhưng kèm điều kiện
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện mới chỉ có một số NH điều chỉnh giảm LS vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân. Tuy nhiên mức giảm khá thấp, kèm thêm điều kiện.
Chị Trần Thanh Hằng (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết, chị vay 1 tỷ đồng để mua nhà tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Mới đây chị nhận được thông báo từ NH cho biết giảm LS 0,5%/năm trong khoảng thời gian từ 15/7 cho đến hết 31/12/2021. LS vay hiện nay của chị là 10%/năm, chị được giảm còn 9,5%/năm. “Tôi bị thất nghiệp hơn hai tháng qua. Tiền lãi NH từ 8,3 triệu đồng/tháng giảm còn 7,9 triệu đồng/tháng, dù chỉ được từ này đến hết năm 2021 nhưng cũng đỡ phần nào trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - chị Hằng nói.
Những khách hàng đang có khoản vay tiêu dùng thế chấp tại NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng được thông báo giảm LS 1%/năm cho đến hết kỳ trả nợ đối với khoản vay ngắn hạn và đến hết ngày 31/12/2021 đối với khoản vay trung dài hạn. Đại diện VPBank cho biết, tổng dư nợ vay thế chấp của khách hàng cá nhân mà VPBank hỗ trợ giảm LS vay khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đây là số ít NH có động thái giảm LS vay mà không cần điều kiện. ACB áp dụng giảm LS vay từ 0,8%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 1%/năm đối với khoản vay trung dài hạn với điều kiện là NH sẽ xem xét mức độ dịch bệnh tác động đến thu nhập, mức độ gắn kết của khách hàng như thế nào? NH TMCP Quân đội (MBBank) thì khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và mua nhà để ở sẽ được giảm LS 2%/năm (khách hàng ở khu vực phía Nam) và 1,5%/năm (khách hàng ở các khu vực khác) với điều kiện phải lãnh lương qua tài khoản mở tại MB. VIB cũng cho biết sẽ giảm LS đối với 8.500 khách hàng cá nhân và DN với mức 1,5%/năm, ưu tiên cho các khách hàng chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân sẽ giúp tăng lực cầu
Theo chuyên gia tài chính - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, các NH cần giảm thêm LS vay cho khách hàng cá nhân do hiện vòng quay tiền đang chậm lại do nền kinh tế không sản xuất, người dân giảm mạnh mua sắm tiêu dùng.
Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Tài chính (Trường đại học Kinh tế - Luật TPHCM), cũng cho rằng: “Cần ưu tiên giảm lãi vay cho khách hàng cá nhân, bởi họ bây giờ đang là lực kéo về phía cầu. Nếu họ rơi vào trạng thái phòng vệ hơn là chi tiêu thì sẽ rất khó cho nền kinh tế”.
“Hiện giờ có giảm LS vay đối với khoản vay mới của khách hàng DN cũng không có tác dụng nhiều do họ không có sản xuất, phần lớn công nhân còn đang trong vùng cách ly, DN không có khả năng và không dám hấp thu vốn trong giai đoạn này. Việc điều tiết giảm LS không có tác dụng tức thì mà độ trễ rất cao do thời gian làm hồ sơ, thủ tục dù triển khai ngay từ bây giờ thì phải đến 5-6 tháng sau mới có thể giải ngân. Do đó kích cầu về phía người tiêu dùng là một giải pháp nên làm hiện nay” - tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân đề xuất.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.3041441a-nahn-ac-gnah-hcahk-neuq-ob-gnud-gnah-nagn/nv.moc.enilnounuhp.www