18h00 chiều nay trong khuôn khổ loạt trận thứ 2 bảng L đơn nam môn cầu lông Olympic Tokyo 2020, Nguyễn Tiến Minh sẽ gặp tay vợt Ade Resky Dwicahyo. Chiều nay, người hâm mộ thể thao Việt Nam một lần nữa lại hướng mắt về anh, như đã luôn nhìn dáng hình cô đơn của anh suốt 15 năm trước đó.
Đối thủ của Tiến Minh - tay vợt Ade Resky Dwicahyo, là một vận động viên cầu lông người Azerbaijan gốc Indonesia. Anh nhập tịch và thi đấu cho đội tuyển Azerbaijan từ năm 2018.
Sinh năm 1998, năm nay Dwicahyo 23 tuổi. "Ông già gân" Tiến Minh với kinh nghiệm của tay vợt đã tham dự 4 kỳ Thế Vận Hội liên tiếp, giờ sẽ đối đầu với sức trẻ của Dwicahyo. Vị trí trên bảng xếp hạng của BWF đang thể hiện ưu thế nghiêng về phía Tiến Minh khi anh xếp hạng thứ 60, còn đối thủ của anh xếp thứ 80. Nhưng 20 bậc đó không có ý nghĩa nhiều khi nhìn vào khoảng cách tuổi tác giữa hai bên.
Tiến Minh năm nay đã 38 tuổi, còn đối thủ của anh thua anh 15 tuổi. Cầu lông không phải là môn thể thao mà càng già thì càng lợi hại. Cầu lông cũng như quần vợt, là các môn thể thao cá nhân. Đấy là môn thể thao đòi hỏi sức vóc, tốc độ, sức bền của những múi cơ, đôi chân, cánh tay và bước chạy dẻo dai. Thời gian sẽ lấy dần đi con người những điểm mạnh tuổi trẻ ấy.
Khi thảm bại 0-3 ở tứ kết Wimbledon 2021 trước Hubert Hurkacz, chính Roger Federer đã thừa nhận: "Rất nhiều ý tưởng hiện lên trong đầu tôi khi ở trên sân, nhưng cơ thể tôi không còn theo kịp những tính toán trong đầu nữa". Vậy đấy, không ai chống lại được quy luật thời gian, kể cả một con người huyền thoại như Federer.
Hôm đó, Federer nhiều hơn Hurkacz 16 tuổi, và anh đã bị đánh bại ở ngay tại thánh địa Wimbledon của mình, trước "cậu bé" đã chơi quần vợt vì thần tượng Federer.
Bây giờ, đứng trước tay vợt cũng thua mình 15 tuổi, câu hỏi đặt ra: Tiến Minh có gì trong tay? Đẳng cấp, kinh nghiệm chinh chiến ư? Không, chưa đủ! Điều tiên quyết để Tiến Minh vượt qua được Dwicahyo để nuôi hy vọng mong manh vào vòng sau, chính là cái đã tạo nên anh hôm nay: nỗ lực và ý chí mãnh liệt - thứ phẩm chất đã biến anh từ một tay vợt phong trào, mà lọt vào top 10 thế giới, kỷ lục gia Olympic, tay vợt vĩ đại nhất lịch sử nền cầu lông Việt Nam.
Nỗ lực và ý chí sẽ làm tan biến đi những múi cơ mỏi, để đi đến mục tiêu chiến thắng trong kỳ thế vận hội có lẽ là cuối cùng của sự nghiệp.
Khi chúng ta nhìn trên lăng kính đấu trường Thế Vận Hội, ta có thể dễ dàng nhận ra khoảng cách mênh mông của thể thao Việt Nam với các nền thể thao thế giới khác. Có rất nhiều nguyên nhân cho việc này. Trong đó có một lý do quan trọng nhất, đấy chính là được đào tạo "ăn tập từ nhỏ".
Câu chuyện về các vận động viên bắn cung của Hàn Quốc, các vận động viên thể dục dụng cụ của Nga, các vận động viên cử tạ của Trung Quốc, hay các vận động viên bơi lội của Mỹ, khi đi sâu tìm hiểu thì đều hội tụ về một mẫu số chung là đã được định hướng thành vận động viên chuyên nghiệp, được đào tạo sẽ thi đấu ở Olympic từ thuở lên 4, lên 6.
Còn Tiến Minh của chúng ta? 18 tuổi mới chính thức rẽ bước sang con đường chuyên nghiệp. Trước đó, Tiến Minh chỉ chơi giải phong trào với đam mê thuần túy của một đứa trẻ.
Nhưng Tiến Minh đã vượt qua tất cả những khó khăn đó, đã trở thành một ngôi sao "độc cô cầu bại" suốt gần 2 thập kỷ tại Việt Nam, đã "đem chuông đi đánh xứ người" để mang về tấm huy chương đồng cấp độ thế giới cho Việt Nam, đưa cầu lông Việt Nam một vị trí sừng sững trong top 10 danh giá của BWF.
Ngày đó, tuổi 27, Tiến Minh lọt top 4 thế giới, 30 tuổi anh giành huy chương đồng thế giới. Năm 2019, khi đó đã 36 tuổi, khi đã "gối mỏi chân chùn", Tiến Minh vẫn giành được tấm huy chương đồng Châu Á cho cầu lông Việt Nam. Sau anh, cầu lông Việt Nam ngoảnh lại là cả một khoảng trống hãi hùng.
Tiến Minh không phải là sản phẩm của nền đào tạo cầu lông Việt Nam, Tiến Minh chỉ là một thiên tài lóe sáng trong một nền cầu lông còn u u minh minh của Việt Nam. Bởi nếu những giá trị như Tiến Minh là nhiều, thì không có chuyện anh cô đơn đến vậy cả 2 thập kỷ, đã không có người kế thừa đạt đẳng cấp suýt soát Tiến Minh tại Việt Nam, để cùng chia bớt lửa mà khiến anh cô đơn như hôm nay.
Đối thủ của Tiến Minh chiều nay, sinh ra từ một quốc gia có nền cầu lông phát triển cực mạnh (Indonesia), và cá nhân Dwicahyo chọn cách nhập tịch ở tuổi 20 sau khi đã thi đấu chuyên nghiệp được 5 năm. Dwicahyo có tất cả lợi thế hơn Tiến Minh, nhưng Dwicahyo đừng quên, đối thủ của anh là tấm gương của sự bền bỉ và nỗ lực vô song hiếm thấy trong nền thể thao Việt Nam hiện đại.
Và nếu chiều nay, khi hàng triệu người Việt Nam ngồi trước màn hình tivi nhìn thấy Tiến Minh thi đấu, thì người viết mong rằng chúng ta sẽ dành cho anh những tình cảm đẹp nhất, lời cổ vũ lớn nhất, và sự động viên tích cực nhất. Bởi đó không chỉ cổ vũ cho Tiến Minh một trận đấu tại Thế Vận Hội, mà còn yêu thương cổ vũ cho một ngôi sao cô đơn với sự nghiệp lắm thăng trầm, mà không kém phần tô điểm cảm hứng.
Dũng Phan
Pháp luật và bạn đọc