vĐồng tin tức tài chính 365

"Không ai muốn trở thành Jack Ma tiếp theo": Mô hình Big Tech của Trung Quốc khác gì so với Mỹ?

2021-07-28 03:12

Trên tầng 4 của 1 trung tâm thương mại nằm gần 1 bến cảng ở Grand Cayman, cách không xa khu vực tập trung đông đúc các cửa hàng cung cấp dịch vụ lặn biển phục vụ khách du lịch, chính là văn phòng ở hải ngoại của Didi Global – công ty đi chung xe đã lọt top những  tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Trong khu này còn có văn phòng của nhiều ông lớn Internet khác như Baidu, Meituan và Alibaba.

Những văn phòng nằm ở hòn đảo xa xôi vùng Caribe không đóng góp giá trị gì cho hoạt động thường ngày của các ông lớn nói trên nhưng lại giúp ích rất nhiều để các kỳ lân công nghệ của Trung Quốc dễ dàng  thu hút các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ hơn. Chúng đã trở thành cầu nối giữa phương Đông và phương  Tây, 1 biểu tượng tràn ngập ánh nắng đại diện cho mô hình chủ nghĩa tư bản được Chính phủ Trung Quốc ủng hộ để các "gà nhà" có thể cạnh tranh với những đối thủ đến từ Mỹ.

Sự hiện diện tại Cayman là điều cần thiết để Didi có thể dễ dàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York hôm 30/6. Và các công ty Trung Quốc nhìn thấy rất nhiều lợi ích khi họ có thể tiếp cận với Mỹ. Khi Didi mở 1 cơ sở nghiên cứu ở California năm 2017, nhà sáng lập kiêm CEO Cheng Wei đã tự hào nói đó là "ngôi nhà mới của Didi, đặt cạnh những công ty công nghệ vĩ đại nhất thế giới" để cùng nhau "tạo nên 1 hành trình tuyệt vời".

Một loạt ông lớn vào tầm ngắm

Nhưng có lẽ cuộc hành trình đó đã bắt đầu lạc lối từ tháng 10 năm ngoái, khi nhà sáng lập nổi tiếng của Alibaba là tỷ phú Jack Ma làm phật lòng các nhà quản lý với những nhận xét không hay về hệ thống tài chính truyền thống. Kế hoạch niêm yết "khủng" của Ant Group đã bị chặn đứng ngay trước thềm IPO. Không chỉ vậy còn đi kèm với những cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba. Ma gần như biến mất trước công chúng, giá trị tài sản "bốc hơi" nhanh chóng.

Từ đó đến nay các ông lớn công nghệ của Trung Quốc liên tục lọt vào tầm ngắm. "Lượt" của Didi đến vào ngày 2/7, chỉ vài ngày sau khi công ty thực hiện thành công vụ IPO 4,4 tỷ USD ở Mỹ. Didi bị thanh tra về mức độ an toàn, và sau đó các ứng dụng của hãng đồng loạt bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng.

Không ai muốn trở thành Jack Ma tiếp theo: Mô hình Big Tech của Trung Quốc khác gì so với Mỹ? - Ảnh 1.

"Là 1 công ty công nghệ cực kỳ thành công không đồng nghĩa bạn có thể đứng trên đảng và nhà nước", Michael Witt, giáo sư chuyên ngành kinh doanh quốc tế tại Singapore nhận xét. "Ant Group và Jack Ma học được điều đó năm ngoái, và ngạc nhiên là dường như Didi không rút ra được kinh nghiệm gì".

Và mới đây nhất, chính phủ Trung Quốc vừa thông báo khung chính sách quản lý hoàn toàn mới dành cho giáo dục trực tuyến, ngành mà các cơ quan quản lý miêu tả là đã bị "tiền bạc thao túng". Các nền tảng bán đồ ăn trực tuyến cũng phải đảm bảo nhân viên có thu nhập ít nhất là bằng với mức lương tối thiểu vùng. Giá cổ phiếu của công ty giao đồ ăn Meituan đã lao dốc sau thong báo này. Công ty vốn cũng đang đối mặt với 1 cuộc điều tra về độc quyền.

Trong những  thông báo riêng rẽ được phát đi trong những tháng gần đây, Alibaba, Didi và Meituan đều cho biết họ sẽ hợp tác với cơ quan quản lý và cố gắng nâng cao mức độ tuân thủ luật lệ. Chiến dịch trấn áp mới báo hiệu mở ra 1 thời kỳ mới mà các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn nhiều và họ không thể tránh được điều đó chỉ bằng cách đăng ký kinh doanh ở đảo Cayman hay thuê văn phòng ở California.

Mô hình của Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc – 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới – đang chọn 2 con đường hoàn toàn khác nhau để đối mặt với quyền lực khổng lồ mà các tập đoàn công nghệ tư nhân đã tích lũy được. Trong khi điều này mang đến những rủi ro cho bất cứ ai có liên quan đến ngành công nghệ Trung Quốc, không ít người lại nhìn nhận đây là 1 cơ hội để Trung Quốc vượt lên trên đối thủ địa chính trị lớn nhất của mình. "Trung Quốc đang đi đầu trong việc thiết lập các giới hạn cho sức mạnh của Big Tech", Thomas Tsao, nhà đồng sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm Gobi Partners có trụ sở ở Thượng Hải cho hay. "Họ đang thử nghiệm 1 mô hình mới".

Kể từ cuối những năm 1990, Trung Quốc đã cố gắng bắt chước cách tiếp cận với sự sáng tạo của thung lũng Silicon. Được hậu thuẫn bởi dòng vốn phương Tây và 1 thế hệ các doanh nhân đam mê khởi nghiệp (mà trong đó có nhiều người được đào tạo ở nước ngoài), Trung Quốc đã sản sinh ra những "phiên bản nội địa" kết hợp giữa eBay và Amazon (Alibaba), AOL và Facebook (Tencent), và Google (Baidu). Những công ty này nhanh chóng đạt được thành công trong khi được chính phủ hết sức ưu ái và bảo vệ trước sự cạnh tranh từ các đối thủ Mỹ.

Ban đầu, họ chỉ sao chép các dịch vụ của phương Tây và điều chỉnh cho phù hợp với thị trường nội địa, nhưng đến nay những ông lớn Internet của Trung Quốc đều đã lớn mạnh và thậm chí có thể cạnh tranh với Mỹ. Những siêu ứng dụng như WeChat của Tencent và Alipay của Alibaba có thể xử lý mọi thứ từ nhu cầu đi lại đến giao thực phẩm hay thanh toán hóa đơn điện nước. Apple, Facebook và Snapchat còn học theo những tính năng này của siêu ứng dụng Trung Quốc.

Không ai muốn trở thành Jack Ma tiếp theo: Mô hình Big Tech của Trung Quốc khác gì so với Mỹ? - Ảnh 2.

Cũng như ở Mỹ, đà tăng trưởng vượt trội dẫn đến các ông lớn công nghệ và CEO của chúng ngày càng quyền lực và không ngại khoa trương sức mạnh. Các công ty lớn nhất thường ép buộc những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn phải tích hợp vào nền tảng của họ hoặc bán mình.Jack Ma và các ông trùm công nghệ khác trở thành những "ngôi sao nhạc rock" được nhiều người ngưỡng mộ, lên tiếng bình luận cả về các vấn đề nóng bỏng trong xã hội.

Một số người nhận định cuộc trấn áp đối với Alibaba và Didi cùng với hàng chục công ty công nghệ khác là hơi chậm trễ. Theo Andy Tian, người phụ trách chiến lược di động của Google Trung Quốc trong những năm 2000 và hiện là CEO của 1 startup về mạng xã hội tại Bắc Kinh, điều đó sẽ "thúc đẩy sáng tạo" và sự cạnh tranh ở Trung Quốc sẽ khắc nghiệt hơn cả Mỹ vì những công ty nhỏ hơn được hưởng lợi từ các chính sách kiềm chế những đối thủ lớn nhất.

Angela Zhang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật Trung Quốc tại ĐH Hong Kong, cho rằng sự can thiệp sẽ giúp ngành công nghệ của Trung Quốc tái định hình nhanh hơn so với bất kỳ nơi nào trên thế giới. "Vụ việc của Alibaba khiến Trung Quốc chỉ mất 4 tháng để hoàn thành luật chống độc quyền, trong khi Mỹ và EU đã mất nhiều năm trời đuổi theo những ông lớn như Facebook, Google và Amazon".

Lillian Li, người đứng sau bản tin Chinese Characteristics, chính phủ Trung Quốc sẽ không dại dột phá hủy các gã khổng lồ công nghệ. "Chỉ là sau nhiều thập kỷ để họ tự tung tự tác, chính phủ muốn nhắc nhở những công ty này "có thể và không thể làm gì".

Nếu như Trung Quốc bỏ qua mô hình thung lũng Silicon thì mô hình thay thế sẽ là gì? Những người trong cuộc nhận định đó sẽ là mô hình ít phụ thuộc vào người sáng lập hơn và tập trung vào Trung Quốc nhiều hơn.

Trong khi chiến dịch chống độc quyền của Mỹ thường tập trung vào gia tăng bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Trung Quốc hướng đến tuân thủ chính sách của nhà nước nhiều hơn. Lưu ý rằng Huawei và ZTE là 2 công ty đang thống trị mạng lưới viễn thông ở Trung Quốc nhưng không hề bị nhắm tới, có lẽ bởi họ vẫn có mối lien hệ mật thiết với các quan chức chính phủ.

"Không ai muốn làm Jack Ma tiếp theo"

Không ai muốn trở thành Jack Ma tiếp theo: Mô hình Big Tech của Trung Quốc khác gì so với Mỹ? - Ảnh 3.

Mới đây Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ rõ những lĩnh vực mà Trung Quốc muốn ưu tiên phát triển, trong đó có chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ông Tập gọi khối lượng dữ liệu đồ sộ mà ngành công nghệ đã thu thập được là "nguồn tài nguyên quan trọng và mang tính chiến lược" cần được quản lý và khai thác đúng cách.

Theo 1 chỉ thị từ năm 2015, các thành phố từ Quý Dương đến Thượng Hải đã lập ra những sàn giao dịch dữ liệu hỗ trợ trao đổi thông tin giữa các tập đoàn. Có thể phát triển điều này thành 1 hệ thống chia sẻ dữ liệu quốc gia có vai trò như 1 loại cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng. Điều đó cũng đồng nghĩa chính quyền trung ương nắm trong tay lượng dữ liệu cực lớn.

Tuy nhiên cách tiếp cận này ẩn chứa nguy cơ triệt tiêu sự sáng tạo. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát dữ liệu cũng đe dọa vai trò kết nối các cường quốc của đảo Cayman.

Nếu như cuộc trấn áp hiện nay khiến những công ty lớn nhất của Trung Quốc khó có thể mở rộng, bên hưởng lợi sẽ là các Big Tech của Mỹ. 1 nhà sáng lập ở Trung Quốc cho biết các công ty công nghệ sẽ trở nên thận trọng hơn khi tung ra các sản phẩm mạo hiểm, tuân thủ chính sách hơn và có thể họ sẽ tránh việc trở nên quá lớn vì không muốn thu hút sự chú ý. "Không ai muốn làm Jack Ma tiếp theo", người này nói.

Tham khảo Bloomberg

Xem thêm: nhc.67530446172701202-ym-iov-os-ig-cahk-couq-gnurt-auc-hcet-gib-hnih-om-oeht-peit-am-kcaj-hnaht-ort-noum-ia-gnohk/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“"Không ai muốn trở thành Jack Ma tiếp theo": Mô hình Big Tech của Trung Quốc khác gì so với Mỹ?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools