Ngày 27-7 cũng là ngày thứ ba liên tiếp cổ phiếu Trung Quốc lao dốc tại thị trường nội địa - Ảnh: Bloomberg
Theo Hãng tin Bloomberg, các cổ phiếu Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo trong ngày 27-7, cũng là ngày bán tháo thứ ba liên tiếp.
Liên tục lao dốc
Trong ngày 27-7, chỉ số Hang Seng Tech của Hong Kong giảm tới 3,8%, nâng mức lỗ trong ba ngày lên hơn 13%. Tại thị trường Mỹ, các cổ phiếu Trung Quốc cũng bốc hơi 769 tỉ USD giá trị thị trường chỉ trong vòng 5 tháng.
Nasdaq Golden Dragon China - chỉ số theo dõi 98 doanh nghiệp lớn nhất của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ - đã giảm 7% trong phiên giao dịch ngày 26-7. Cộng thêm mức giảm 8,5% trong ngày 23-7, chỉ số này đã giảm tổng cộng 15% chỉ sau 2 ngày giao dịch - mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008.
Bloomberg cho biết một số nhà đầu tư lớn đã bắt đầu bán tháo cổ phiếu Trung Quốc. Cụ thể, Quỹ đầu tư Ark Innovation ETF đã giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc còn chưa tới 0,5% trong tháng này so với 8% hồi tháng 2 năm nay. Quỹ đầu tư này cũng đã rút khỏi Baidu, công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm lớn nhất tại Trung Quốc, và chỉ còn khoảng 134 cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ Tencent.
Tập đoàn giáo dục TAL, Tập đoàn giáo dục và công nghệ New Oriental và Hãng công nghệ giáo dục Gaotu là ba trong số những doanh nghiệp giáo dục lớn nhất của Trung Quốc. Cổ phiếu của mỗi hãng này đã giảm ít nhất 26% trong ngày 26-7.
Cổ phiếu của ba doanh nghiệp trên đã liên tiếp giảm sâu từ giữa tháng 2 năm nay, theo đó mức thiệt hại trung bình cho cả năm 2021 ước tính khoảng 93%.
Trong khi đó, cổ phiếu của "ông trùm" giao đồ ăn Meituan tiếp tục giảm thêm 9,8% trong ngày 27-7. Cổ phiếu Meituan đã giảm kỷ lục 14% ngày 26-7, sau khi Bắc Kinh yêu cầu các hãng giao đồ ăn thực hiện một loạt điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi nhân viên giao hàng.
Bloomberg cho biết hơn 126 tỉ USD vốn hóa thị trường của các cổ phiếu giáo dục Trung Quốc giao dịch tại Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hong Kong trong năm nay đã bị xóa sạch.
Giới đầu tư bất an
Theo Bloomberg, giới quan sát lo ngại những diễn biến mới nhất có thể là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục "sờ gáy" các ngành công nghiệp khác.
Trong khi đó, ông D.S. Kim, nhà phân tích tài chính của Ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase, cho biết các loại cổ phiếu công nghệ và giáo dục của Trung Quốc "gần như không thể đầu tư được" vì các chính sách mới của Bắc Kinh. Ông cho rằng "viễn cảnh xấu nhất đã thành sự thật".
Theo ông Daniel So, nhà chiến lược của hãng tư vấn và môi giới chứng khoán CMB International Securities, "mối lo chính hiện nay là liệu các nhà quản lý có tiếp tục hành động và mở rộng việc điều chỉnh các ngành nghề khác hay không". Ông So cũng lưu ý rủi ro từ các quy định mới sẽ âm ỉ tại thị trường chứng khoán Trung Quốc trong nửa còn lại của năm 2021.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư không khỏi lo lắng khi đối mặt với nguy cơ Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ có thể hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc nếu họ không tuân thủ luật cung cấp thông tin tài chính của nước sở tại.
"Việc xác định cụ thể mức độ rủi ro nhìn chung là thử thách lớn với chúng tôi lúc này. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta đang bước vào giai đoạn chưa từng có với nhiều biến động lớn", nhà phân tích Fawne Jiang của hãng nghiên cứu đầu tư Benchmark nói.
Theo Hãng tin Bloomberg, giới đầu tư ở một số lĩnh vực phát triển sôi động nhất của Trung Quốc, từ công nghệ đến giáo dục, đã rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh trong tháng này. Theo giới quan sát, Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân vì cho rằng họ là nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng xã hội, tăng rủi ro tài chính và thách thức quyền lực chính phủ. Nhiều người cho rằng Trung Quốc đang chấp nhận các tổn thất ngắn hạn với giới đầu tư cổ phiếu để theo đuổi các mục tiêu dài hạn hơn.
TTO - Sau khi mạnh tay điều chỉnh hai mảng công nghệ và giáo dục trong nước, Trung Quốc đã gây ra cơn chấn động trên thị trường toàn cầu. Cổ phiếu của doanh nghiệp nước này giảm liên tiếp tại thị trường nội địa.
Xem thêm: mth.72022113182701202-hcas-hnihc-iv-oad-oal-couq-gnurt-ueihp-oc/nv.ertiout