Giá lợn hơi liên tục “lao dốc”, mức giá bình quân bán ra trên cả nước là 53.900 đồng/kg. Tuy nhiên, thịt lợn tại các chợ vẫn rất cao.
Giá lợn hơi thấp nhất trong vòng 1,5 năm qua
Theo nguồn tin từ các thương nhân, ngày 28.7.2021, giá lợn hơi lại tiếp tục “lao dốc” trên phạm vi cả nước, bán ra bình quân ở mức 53.900 đồng/kg.
Tại khu vực phía Bắc, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg, trung bình bán ra ở mức 54.000-56.000 đồng/kg. Các tỉnh có giá lợn hơi cao nhất là: Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Tuyên Quang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, bán ra từ 55.000-56.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm mạnh 4.000 đồng/kg, bán ra ở mức từ 54.000-56.000 đồng/kg. Trong đó, giá cao nhất khu vực tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đồng/kg); giá thấp nhất tại các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Ngày 28.7, giá lợn hơi tại miền Nam cũng giảm khoảng 1.000-4.000 đồng/kg, bán ra ở mức từ 52.000-54.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, giá lợn hơi đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 53.000 đồng/kg.
Tại Bình Phước, TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu, Sóc Trăng giá lợn không thay đổi, bán ra ở mức 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1,5 năm qua. Tra cứu cho thấy, giá lợn hơi ngày 28.7.2020 ở mức từ 80.000-90.000 đồng/kg, trong khi giá cám tại thời điểm đó thấp hơn nhiều.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Hanh - chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội - cho biết, do vận chuyển không thuận tiện nên mức giá tại các địa phương không đều nhau.
"Với mức giá này, người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ bị lỗ. Các trại có nái thì lỗ vài trăm nghìn đồng/100kg lợn hơi. Hộ nuôi thịt lúc trước mua giống cao thì lỗ nhiều hơn" - ông Hanh nói.
Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh, các chủ trại vẫn phải “cắn răng chịu lỗ” để xuất bán. “Không bán lợn ra thì các trại không có tiền mua cám” - ông Nguyễn Văn Hanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Anh - chủ trang trại chăn nuôi tại Chương Mỹ, Hà Nội - cũng cho biết, trang trại của ông đang có 10.000 con lợn thương phẩm, nhưng cả ngày hôm qua (27.7) không xuất bán được con nào.
“Học sinh, sinh viên nghỉ học, công nhân nghỉ giãn cách xã hội. Các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể, nhà hàng đóng cửa, lợn không xuất bán được” - ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.
Giá thịt lợn vẫn rất cao
Trong khi giá lợn hơi liên tục "phá đáy", người chăn nuôi lỗ nặng, thì giá thịt lợn tại các chợ vẫn ở mức cao vô lý.
Ngày 28.7, khảo sát của PV cho thấy, giá thịt lợn bán ra tại chợ vẫn ở mức 120.000-150.000 đồng/kg, cá biệt có nơi bán thịt nạc vai, sườn non bỏ cục với mức giá 160.000-170.000 đồng/kg.
Lý giải về lý do bán thịt với giá cao, các thương nhân cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, đi chợ hàng ngày rất nguy hiểm và chi phí rất cao. Ngoài ra, mặc dù giá lợn hơi giảm, nhưng giá thịt lợn tại các chợ đầu mối vẫn ở mức cao.
"Giá lợn mảnh tại chợ đầu mối vẫn ở mức 75.000-85.000 đồng/kg. Với mức giá này, chúng tôi không thể giảm tương ứng như mức giảm của lợn hơi được" - bà Trần Thị Hồng, kinh doanh thịt lợn tại ngõ 122 Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), nói.
Ông Dương Tất Thắng - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Nguyên nhân khiến giá lợn hơi và gà lông trắng giảm là do khâu sơ chế gia súc, gia cầm đã bị đứt gãy khi các lò giết mổ ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.
Tại 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh COVID-19, đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" hoặc không đủ nhân lực lao động do phải phong tỏa.
Xem thêm: odl.465539-tad-tar-nav-ohc-iat-nol-tiht-cod-oal-ioh-nol-aig/et-hnik/nv.gnodoal