- Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 27 thành viên
- Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động vào tháng 5/2022
- Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt
- Các đại biểu Quốc hội hiến kế chống lãng phí, thực hành tiết kiệm
Kế hoạch đầu tư đã tính đến phòng ngừa rủi ro do đại dịch
Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng bao gồm: vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng và vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày dự thảo nghị quyết. |
Nghị quyết định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới.
Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đáp ứng yêu cầu về tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1); khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021-2025; báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công...
Trước đó, một số ý kiến đề nghị, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cần cân nhắc thận trọng hơn, tránh việc xây dựng kế hoạch cao, khó thực hiện được. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSNN là 2.870 nghìn tỷ đồng, tăng 1,49 lần so với số thực hiện giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển dự kiến khoảng 28% tổng chi NSNN.
Các đại biểu biểu quyết tại hội trường. |
Tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được tính toán gắn với cân đối tổng thể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (6,5%-7%), đảm bảo cân đối thu, chi và bội chi NSNN theo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời, tính đến ảnh hưởng của dịch bệnh, tạo cú hích về nguồn vốn thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.
Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nguồn thu NSNN sẽ bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong phương án Chính phủ trình và Dự thảo Nghị quyết đã tính đến những khó khăn, phòng ngừa rủi ro về nguồn thu NSNN do tác động của đại dịch, đã dành dự phòng 10% trong tổng số vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ để xử lý những vấn đề rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện và số dự phòng này chỉ được sử dụng khi bảo đảm được nguồn thu NSNN thực tế và khả năng cân đối của nguồn vốn NSNN.
Tổng thu NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng
Sáng cùng ngày, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Theo nội dung nghị quyết, tổng thu NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu NSNN.
Tổng chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi NSNN. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Quang cảnh hội trường. |
Tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó: chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP, trong đó: bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.
Tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148 nghìn tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về NSNN; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.
Bảo đảm an toàn nợ công, với các mục tiêu: Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; Trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; Trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP...
* Sáng cùng ngày, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019. Tổng số thu cân đối NSNN là 2,139 triệu tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 2,119 triệu tỷ đồng. Bội chi NSNN là 161.490 tỷ đồng, bằng 2,67% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.