Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ
Tại buổi họp báo, ông Phan Văn Mãi cho biết TP đã áp dụng các biện pháp hạn chế người dân ra đường sau 18h. Qua vài ngày tổ chức, người dân TP có sự chấp thuận và đồng tình. Ông Mãi cho biết TP rất hoan nghênh tinh thần chấp hành của người dân và mong mọi người tiếp tục chịu khó áp dụng các biện pháp giãn cách để sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Ý thức của người dân là yếu tố quyết định
Dù vậy, Phó bí thư thường trực Thành ủy cho rằng thời gian từ 6h đến 18h người dân còn ra ngoài nhiều. Ông Mãi cho rằng để kiểm soát được dịch bệnh thì chính người dân phải có nhận thức, đồng lòng, nghiêm túc thực hiện các biện pháp. Đồng thời, người dân cũng giám sát hoạt động của lực lượng phòng, chống dịch và người dân nào chưa thực hiện nghiêm để phản ánh qua đường dây nóng.
"Ý thức của người dân chính là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng nhất và không thể thay thế. Chính ý thức của người dân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác phòng, chống dịch", ông Phan Văn Mãi nói.
TP cũng sẽ xử lý thật nghiêm cấp, ngành, địa phương lơi lỏng, thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo việc giãn cách xã hội.
Sắp xếp lại các tầng điều trị
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho biết nhiệm vụ hàng đầu của TP hiện nay là công tác điều trị, trong đó có việc tổ chức cách ly F1, F0 tại nhà và thu dung ở các khu cách ly tập trung tại các quận huyện.
Hiện nay, TP có trên 70.000 F0, TP phải chuyển chiến lược. Việc cách ly F0 không triệu chứng, hạn chế tiếp xúc, tư vấn y tế tại nhà và có cơ chế phản ứng nhanh khi cần cấp cứu là việc TP cần tập trung thực hiện để giảm tải áp lực lên cơ sở y tế.
Vừa qua, TP cũng đã tổ chức mạng lưới tư vấn sức khỏe online với đội ngũ giáo sư, bác sĩ trên cả nước. Mỗi người sẽ phụ trách số F0 nhất định và giữ liên lạc hằng ngày để tư vấn, thăm hỏi và xử lý tình huống y tế khi có yêu cầu.
"Việc này TP sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng để đảm bảo các F0 ngay cả ở nhà hay cơ sở thu dung cũng đều được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe", ông Mãi nói. TP cũng sẽ phát các tờ rơi và hỗ trợ điều trị bằng thuốc Đông y có thể tăng sức đề kháng.
Về công tác điều trị, khi F0 tăng lên, có đến 20-30% cần can thiệp y tế, có trường hợp trở nặng cần chăm sóc ở cơ sở y tế chuyên sâu. Do đó, TP tiếp tục rà soát, tăng cường trang thiết bị và nhân lực cho các bệnh viện quận huyện để trở thành bệnh viện đi đầu, phục vụ công tác điều trị thông thường và bệnh nhân COVID-19. Song song đó, ngành Y tế TP có chủ trương huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
"Nếu tập trung vào một bệnh viện, áp lực sẽ rất lớn, nhưng nhiều bệnh viện thì có thể chia áp lực và thuận tiện trong việc tiếp cận ban đầu của bệnh nhân", ông Mãi nói.
TP cũng lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến để tham gia các tầng điều trị. TP cũng đã chuyển bệnh viện số 6 thành bệnh viện điều trị tầng 3 với chức năng nâng cao hơn. TP sẽ thiết lập thêm nhiều bệnh viện như thế trong tuần tới.
Sáng mai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ vào TP để đánh giá số lượng, nhu cầu cơ sở vật chất sẽ tăng trong thời gian tới để có sự chuẩn bị và tăng cường nguồn lực cho tầng điều trị 3, 4.
Đồng thời, sẽ tổ chức lại việc liên thông giữa tầng 3, 4, 5 để có sự trao đổi, tiếp nhận bệnh nhân kịp thời, hạn chế tử vong.
Tại tầng 5, bệnh viện hồi sức COVID-19 với 1.000 giường đang được hoàn thiện. TP đang huy động thêm bệnh viện lớn và các bệnh viện tư nhân có uy tín tham gia vào tầng điều trị này.
"Áp lực của ngành y tế rất lớn, với công suất hiện tại thì gần như TP đã đầy, có nơi đã quá tải. TP sẽ cố gắng, rà soát sắp xếp lại các tầng để phù hợp, phối hợp nhuần nhuyễn hơn. Đồng thời sẽ tiếp tục thi công một số bệnh viện dã chiến ở tầng 3, tầng 4", ông Phan Văn Mãi nói.
TTO - 36 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến đều đã được khoanh vùng, giám sát chặt. Trong ngày không phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới.
Xem thêm: mth.69255956182701202-iat-auq-et-y-os-oc-ueihn-ihk-oan-eht-irt-ueid-cuhc-ot-mch-pt/nv.ertiout