Doanh nghiệp có thể vay vốn lãi suất 0% để phục hồi kinh doanh
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – Doanh nghiệp ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 có thể vay vốn không thế chấp tài sản với lãi suất 0%, tối đa 12 tháng, để trả lương cho người lao động, nhằm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mọi hoạt động dịch vụ, thương mại, sản xuất tại TPHCM gặp nhiều khó khăn vì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Ảnh: Lê Vũ. |
Trao đổi với KTSG Online chiều ngày 28-7, ông Bùi Văn Sổn, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM (NHCSXH), cho biết tính đến hiện tại đơn vị này chưa nhận được hồ sơ đăng ký vay vốn trả lương cho người lao động trong gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng.
Đây là chương trình hỗ trợ nằm trong Nghị quyết 68 của Chính phủ vừa ban hành đầu tháng 7, về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo ông Sổn, việc triển khai đang gặp khó khăn vì TPHCM hiện đang thực hiện giãn cách theo quy định, trong khi hồ sơ phải nộp trực tiếp. Hiện đơn vị này đang tập trung hướng dẫn, tư vấn để người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ chuẩn xác thông qua điện thoại.
Vay trả lương người lao động là gói hỗ trợ từ NHCSXH mà người sử dụng lao động có thể tham khảo để vượt qua đại dịch Covid-19.
Theo quy định, đây là khoản vay không cần thế chấp tài sản, lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng. Số tiền vay tối đa được tính dựa trên số lượng lao động, mức lương tối thiểu vùng, và mỗi lao động được vay không quá 3 tháng.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp có 10 lao động đủ điều kiện thì có thể vay tối đa là khoảng 132,6 triệu đồng (lương tối thiểu khu vực TPHCM là 4.420.000 đồng/tháng).
Đối tượng vay vốn là người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch, hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, dịch vụ đưa người lao động ở Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để phục hồi hoạt động kinh doanh.
Một số điều kiện cơ bản là người lao động phải có tham gia bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp (cụ thể như trên) thì phải hoàn thành quyết toán thuế trong năm 2020.
Doanh nghiệp có thể liên hệ với chi nhánh NHCSXH tại địa bàn quận, huyện mà doanh nghiệp đang hoạt động, để tìm hiểu thông tin về gói vay. Điều kiện cụ thể có thể xem tại đây.
Trước đó, trong tọa đàm trực tuyến với doanh nghiệp cuối tuần trước, ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH TPHCM cho biết chỉ sau hơn một tuần khởi động, đến ngày 19-7, đơn vị đã hướng dẫn hồ sơ cho 8 doanh nghiệp vay để trả lương cho hơn 3.000 lao động với số tiền đề nghị vay là 13 tỉ đồng.
Theo ông Tiên, điểm mới trong chính sách hỗ trợ lần này là người sử dụng lao động được vay để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, điều kiện cần là doanh nghiệp phải có bản kế hoạch phương án phục hồi kèm theo. Đây là điều kiện mà Chính phủ đặt ra, không có mẫu hướng dẫn.
Dù vậy, ông Tiên cũng gợi ý những nội dung mà doanh nghiệp nên đưa vào là những khó khăn mà doanh nghiệp đã trải qua, kế hoạch làm ăn sắp tới dự kiến được thực hiện như thế nào. “Quan trọng là việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp muốn vay vốn để trả lương ra sao”, ông Tiên nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm trước đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, chia sẻ thông tin về việc đơn vị Bảo hiểm xã hội vừa qua đã hỗ trợ rất nhanh theo Nghị quyết 68, tuy nhiên hiện gặp trục trặc về khâu hồ sơ khi đăng ký vay vốn với NHCSXH TPHCM. Phản hồi thông tin, ông Tiên hướng dẫn các doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký vay vốn theo mẫu 12 và 13 theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại diện NHCSXH TPHCM, đơn vị này đang nỗ lực truyền tải thông tin trên nhiều kênh khác nhau, cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động được biết để đăng ký; đồng thời cam kết hỗ trợ, tư vấn cụ thể để giải ngân sớm nhất có thể.
Xem thêm: lmth.hnaod-hnik-ioh-cuhp-ed-0-taus-ial-nov-yav-eht-oc-peihgn-hnaod/209813/nv.semitnogiaseht.www