Chiều 28-7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong mấy ngày qua có bà con từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM trở về quê khi các khu công nghiệp đóng cửa.
Trước đây là bà con về Tây Nguyên, miền Trung, những ngày gần đây là về miền Tây, có đi qua TP.HCM.
300 người dân di chuyển bằng xe máy bị dồn ứ ở chốt kiểm soát giáp TP.HCM và Long An. Ảnh: CTV.
Ông Phan Văn Mãi nhìn nhận, do thực hiện Chỉ thị 16 gần như tất cả các địa phương, nên việc đi lại của người dân khó khăn. Có tình trạng số đông bà con, với khoảng mấy trăm người về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhưng bị vướng lại đoạn quốc lộ 1 giáp ranh giữa huyện Bình Chánh với Long An.
Ông khẳng định: “Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, việc đi lại cần thực hiện theo các quy định, nếu bà con tự đi như thế này sẽ rất khó cho cơ quan phòng chống dịch. Bà con cần có đăng ký với các địa phương để được tổ chức chu đáo, về quê đỡ vất vả hơn”.
“Chúng tôi ở TP nhìn thấy việc bà con đứng chờ hàng giờ trong điều kiện mùa mưa như thế này rất vất vả, xót xa. Tuy nhiên về quy định phòng chống dịch phải thực hiện nghiêm. Rất mong bà con nên có đăng ký với từng địa phương để các địa phương trao đổi với nhau, tổ chức cho bà con đi về, đảm bảo an toàn sức khoẻ và cũng dễ cho các địa phương quản lý phòng chống dịch tốt hơn” – ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Trước đó, vào tối ngày 27-7, khoảng 300 người đi xe máy bị dồn ứ tại chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ quốc lộ 1, khu vực giáp ranh huyện Bình Chánh (TP.HCM) với huyện Bến Lức (Long An).
Những người này đã thể hiện mong muốn sớm được qua chốt. Sau đó, lực lượng chức năng tỉnh Long An và TP.HCM đã phối hợp đưa họ về quê.
+ Cũng tại buổi họp, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết đến 0 giờ ngày 28-7, tổng đài 1022 đã nhận hơn 217.700 cuộc gọi của người dân và đã chuyển hơn 12.100 cuộc gọi đến các đơn vị để xử lý.
Trong số 12.100 cuộc đó, các sở, ngành, TP Thủ Đức và quận, huyện đã tiếp nhận, xử lý khoảng 70,2% tin trong 24 giờ.
Theo ông Thắng, TP đã bố trí 120 tổng đài viên/ngày, trực 24/24 giờ với ba ca. Tuy nhiên do số lượng cuộc gọi đến vào cùng thời điểm quá lớn nên một số cuộc gọi đến nhưng không được tiếp nhận bởi tổng đài viên.
Để xử lý vấn đề này, dự kiến Sở TT&TT TP sẽ phối hợp với Bộ KH&CN ứng dụng khoa học công nghệ để có thể tiếp nhận nhiều cuộc gọi hơn. Đồng thời tăng thêm tổng đài viên, giới thiệu thêm các đường dây nóng của các sở, ngành cho người dân trực tiếp gọi đến.
Đặc biệt, Sở TT&TT còn nghiên cứu, dùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tiếp nhận cuộc gọi. Với ứng dụng này có thể tiếp nhận 1.600 cuộc gọi/giờ.
Ông Thắng cũng thông tin về việc nghẽn mạng tại tổng đài 115. Theo ông Thắng, trước đây 115 chỉ có sáu đường truyền, sau đó tăng lên 14 đường truyền nhưng chỉ có thể tiếp nhận 1.200- 5.000 cuộc mỗi ngày.
Do đó, Trung tâm 115 đã mở tổng đài dã chiến tại Công ty phần mềm Quang Trung với 40-100 đường truyền; tăng thêm sinh viên ngành y tiếp nhận cuộc gọi.
“Hy vọng rằng tới đây tất cả cuộc gọi đến 115 sẽ được tiếp nhận” – ông Thắng chia sẻ.