Giới đầu tư công nghệ nhận bài học đắng ngắt từ Bắc Kinh
Khánh Lan
(KTSG Online)- Bất kỳ ai mua cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc với hy vọng giá sẽ phục hồi sau làn sóng bán tháo gần đây đang nhận thêm một bài học đắng ngắt trong tuần qua khi giá của chúng tiếp tục lao dốc.
Trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc giảm sâu do Bắc Kinh mở rộng chiến dịch chống độc quyền và kiểm soát an ninh dữ liệu.
Hồi đầu tháng 7, giới chức trách Trung Quốc yêu cầu hãng gọi xe khổng lồ của Trung Quốc, Didi Chuxing gỡ ứng dụng khỏi tất cả các cửa hàng ứng dụng trực tuyến ở Trung Quốc và tiến hành điều tra bảo mật đối với hãng này sau khi Didi Chuxing huy động được 4,4 tỉ đô la Mỹ dựa trên mức định giá gần 70 tỉ đô la trong thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ở Sàn giao dịch chứng khoán New York.
Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông, nơi niêm yết cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc giảm mạnh trong những ngày đầu tuần này. Ảnh: AFP |
Động thái này khiến giá cổ phiếu của Didi Chuxing giảm đến 43% chỉ trong một tháng qua. Mức giảm khiến khoản đầu tư 11,8 tỉ đô la của Quỹ Tầm nhìn thuộc Tập đoàn SoftBank để nắm giữ 20,1% cổ phần của Didi Chuxing vào năm 2019 giờ đây chỉ còn 7,8 tỉ đô la.
Trong những ngày qua, cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc lại bị bán tháo khi giới đầu tư nhận ra rằng hầu như không có lĩnh vực nào trong ngành công nghệ thoát khỏi chiến dịch kiểm soát của Bắc Kinh. Mới đây nhất, hôm 23-7, Trung Quốc ban hành quy định mới, yêu cầu các công ty giáo dục đang dạy thêm các môn trong chương trình học của nhà trường phải đăng ký hoạt động như là tổ chức phi lợi nhuận và giới chức trách sẽ không cấp giấy phép kinh doanh mới cho những công ty như vậy.
Quy định mới gây cú sốc lớn cho ngành công nghiệp gia sư trị giá 120 tỉ đô la của Trung Quốc, kích hoạt làn sóng bán tháo mới ở cổ phiếu của các nền tảng giáo dục trực tuyến như TAL Education Group , Gaotu Techedu. Chỉ trong 6 tháng qua, giá cổ phiếu phiếu của Gaotu Techedu giảm đến 98%, từ 149 đô la xuống còn 2,5 đô la, tính đến ngày 26-7.
Giá trị tài sản cổ phiếu của Larry Chen, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Gaotu Techedu, cũng bốc hơi nhanh chóng từ mức hơn 15 tỉ đô la hồi cuối tháng 1, xuống còn 336 triệu đô la. Chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghiệp gia sư là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm gánh nặng chi phí giáo dục cho con cái của bậc phụ huynh để khuyến khích họ sinh đẻ thêm giữa lúc tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang giảm.
Dù giới đầu tư thừa biết rằng Trung Quốc đang siết chặt quản lý các công ty công nghệ nhưng họ vẫn bất ngờ trước quy mô và sự khốc liệt của chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ. Chiến dịch tương tự như đối với các nền tảng giáo dục tư nhân có thể sẽ không được mở rộng sang các lĩnh vực khác nhưng Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Nỗi đau thua lỗ lớn của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài không phải là rào cản đối với các mục tiêu chính sách. Và khi các chiến dịch như vậy được triển khai, chúng thường diễn ra quyết liệt hơn dự liệu của bất kỳ ai.
Chiến dịch chấn chỉnh của Bắc Kinh đối với các “ông lớn” công nghệ trong nước vẫn chưa dừng lại. Hôm 26-7, Cơ quan quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) ban hành quy định mới yêu cầu các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến phải trả thù lao cho các tài xế đối tác ít nhất là phải tương đương mức lương tối thiểu, phải nới lỏng thời gian giao hàng cho họ cũng như đặt ra hạn mức hợp lý về số lượng đơn hàng phải hoàn thành trong ngày. Quy định mới cũng kêu gọi các nền tảng giao đồ ăn cung cấp bảo hiểm cho tất cả tài xế.
Thông tin trên khiến giá cổ phiếu của Meituan, nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, giảm 17,6% trong phiên giao dịch hôm 27-7 sau khi đã giảm 14% vào ngày hôm trước. Giá cổ phiếu của Tập đoàn internet Tencent cũng giảm 9% sau khi giới chức trách yêu cầu tập đoàn này phải chấm dứt các thỏa thuận độc quyền với các hãng ghi âm lớn trên thế giới trong vòng 30 ngày.
Cùng ngày, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ra lệnh các công ty công nghệ phải chấn chỉnh các thực hành chống cạnh tranh, chẳng hạn như chặn đường link trang web của đối thủ. Điều này có nghĩa là nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba và nền tảng mạng xã hội WeChat của Tencent không được chặn đường link trang web của nhau và chấp nhận hệ thống thanh toán di động của nhau.
Chỉ trong vòng 2 ngày 26 và 27-7, vốn hóa thị trường của 3 “ông lớn” công nghệ Trung Quốc bao gồm Tencent, Meituan và Alibaba giảm tổng cộng 237 tỉ đô la.
Cũng giống như các nước khác trên thế giới, Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát tác động sâu rộng của các “ông lớn” công nghệ đối với cạnh tranh, người tiêu dùng và người lao động. Hệ thống quyền hành tập trung của Trung Quốc cho phép giới chức trách hành động nhanh chóng và quyết liệt, khiến giới đầu tư đối mặt với sự bất ổn lớn hơn và không biết trông cậy vào ai khi xu hướng chính sách chống lại họ.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.hnik-cab-ut-tagn-gnad-coh-iab-nahn-ehgn-gnoc-ut-uad-ioig/819813/nv.semitnogiaseht.www