- Âm nhạc dân gian trên màn ảnh Việt, những thước phim duy mỹ
- Con trâu trong văn hóa dân gian
- "Trẻ hóa" hướng tiệp cận nghệ thuật dân gian
Lại có câu “Mũ ni che tai” nói một về thái độ bàng quan. Xuất xứ câu này là từ một ngụ ngôn kể đôi chim sẻ nọ làm tổ trong tai nhà sư. Nhà sư mặc kệ vì nếu đuổi hoặc giết chúng thì mắc tội. Nhưng chim mẹ đẻ chim con rồi cãi chửi nhau tùm lum. Bất đắc dĩ nhà sư phải khâu cái mũ vải có diềm rộng che cả tai và gáy, đợi cả nhà chim đi kiếm ăn mà đội vào (?!).
Đồng nghĩa với thành ngữ này là “Đắp tai gài trốc” (“trốc” là đầu). Trong bài thơ “Mẹ Mốc” Nguyễn Khuyến có câu: “Đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ” tả nhân vật nhưng để nói mình “ngoảnh mặt” với cuộc đời nhiễu nhương!
Một đặc điểm đậm tính biểu trưng của tai Phật là vừa to vừa dài. Tai có chức năng để nghe. Nhà thơ Huy Cận vẫn nói hay và đúng nhất về điều này trong bài thơ xứng đáng là kiệt tác “Các vị La Hán chùa Tây Phương”: “Có vị chân tay co xếp lại/ Tròn xoe tựa thể chiếc thai non/ Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối/ Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn.../ Các vị ngồi đây trong lặng yên/ Mà nghe giông bão nổ trăm miền”. Như vậy tai “rộng dài ngang gối” để mà “nghe đủ chuyện buồn”, “nghe giông bão nổ trăm miền”. Đây là cái lý căn bản để làm tiền đề cho mô hình tượng Phật nghìn mắt nghìn tay. Tai to để nghe thấu nghe đủ mọi chuyện buồn của nhân gian. Có nghìn mắt để nhìn tỏ nỗi đau của con người. Có nghìn tay để cứu vớt nỗi trầm luân của chúng sinh trong bể khổ...
Nhạc trưởng thiên tài Lorin Maazel (1930 - 2014) người Mỹ. |
Nhưng đấy chỉ là cách hiểu bề ngoài. Chắc hẳn còn chứa đựng nhiều điều sâu xa khác!
Tư Mã Thiên nhà viết sử thiên tài, trong “Sử ký” khi nói về Lão Tử có giải thích rõ “Lão Tử họ Lí, tên Nhĩ, tự là Đam”. Chữ “Nhĩ” mà Tư Mã Thiên viết có nghĩa là “tai” đi liền với chữ “Đam” có nghĩa là “tai dài”. Hậu thế vẫn gọi Lão Tử là Lão Đam là vừa gắn với chiết tự nói về một đặc điểm ngoại hình (tai dài) vừa gắn với huyền thoại Lão Tử sống rất thọ. Vì theo dân gian thì những người tai dài thường trường thọ. Dựa vào căn cứ nào? Điều này lại có mối liên hệ với một tập quán cổ xưa, tận thời nguyên thủy, dân gian quan niệm tai là cửa sổ nối con người với thế giới thần linh. Chung quanh vấn đề này có hai giả thuyết.
Một là, qua sự quan sát lâu dài người ta thấy rằng tai là bộ phận duy nhất trên khuôn mặt vẫn tiếp tục phát triển trong cuộc đời một con người. Có người thời trẻ tai nhỏ nhưng về già thì to ra và dày hơn. Người ta nghiệm ra rằng những người tai to và dày thường là những bậc phú quý. Từ đó tai được coi là biểu tượng của sự giàu có, địa vị (?!).
Hai là người nguyên thủy phát hiện ra tai là một “đường đi” của nhiều căn bệnh truyền vào bên trong cơ thể. Để ngăn chặn các tà khí ấy người ta đeo khuyên/vòng tai bằng kim loại, gỗ, ngọc, kim cương... thậm chí bằng cỏ. Về sau, qua kinh nghiệm con người thấy đeo nhẫn/vòng/khuyên tai bằng bạc là tốt nhất. Cái này tương tự với việc đeo nhẫn bạc ở ngón áp út, tay trái (vì có mao mạch chạy thẳng tới tim) chống lại cảm lạnh, cảm gió rất công hiệu. Nhưng gần đây, thuyết phong thủy phát triển cho biết không phải ai đeo cũng tốt, mà tùy người. Ví như người ở cung mệnh kỵ/tương khắc với hành kim thì đeo nhẫn/vòng/khuyên bằng kim loại không tốt, mà phải đổi là ngọc, kim cương hoặc gỗ...
Cố nhiên, trong lịch sử văn hóa nhân loại, từ xưa và đến tận nay, việc đeo vòng/khuyên tai chủ yếu vì mục đích thẩm mỹ. Phụ nữ là biểu tượng của cái đẹp nên họ trang sức nhiều hơn đàn ông là đúng quy luật. Còn cả chức năng bảo vệ nữa. Nhiều bộ tộc/lạc quan niệm ma quỷ đi theo con đường vành tai mà vào bên trong để bắt hồn bắt vía nên đeo vòng/khuyên tai là một cách để ngăn chặn chúng.
Ở phương Tây thời trung cổ hành động cắt tai tù binh rồi gửi cho đối phương là cách khiêu khích, khiêu chiến, nhục mạ. Ở phương Đông trung đại cũng tương tự nhưng còn thêm hành vi dã man là cắt tai tình địch. Nếu bắt được trai có vợ gái có chồng mà lại trong tình trạng “trai trên gái dưới” thì người đàn bà sẽ bị gọt đầu bôi vôi rồi thả bè trôi sông với cái ý cho biệt tăm tích cái giống lăng loàn... Còn người đàn ông thì bị xẻo tai với cái ý vì “rót mật vào tai nhau” mà quyến rũ nhau nên phải làm thế để “bêu gương”!!!
Trong bộ tiểu thuyết “Tây du ký” nổi tiếng có hình tượng Cây gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không có hai đầu bịt vàng, nặng một vạn ba ngàn năm trăm cân có thể to nhỏ dài ngắn theo ý chủ, khi to nhất làm cột chống trời, lúc nhỏ nhất chỉ bằng cái kim luôn được giắt ở tai. Lý do là vì ngũ quan trên mặt người tương ứng với ngũ hành, tai thuộc hành thuỷ (mắt là mộc, lưỡi là hỏa, miệng là thổ, mũi là kim). Cây gậy này vốn ở dưới nước là vật sở hữu của vua biển Long vương! Nó nguyên có tên là Định Hải Thần Châm, vật báu của long cung. Hết đại náo thiên cung rồi đến đại náo long cung, Ngộ Không ép Long Vương phải giao cho mình sở hữu. Từ đó Ngộ Không luôn giắt ở tai là đúng với “ngũ hành”!
Cảnh vua Midas phân xử! |
Y học cổ truyền phương Đông lấy thuyết ngũ hành làm cơ sở, trong đó bộ môn châm cứu là rất tiêu biểu với phương pháp “Nhĩ châm” tức châm huyệt ở tai. Theo các sách châm cứu, đại để là khi một bộ phận cơ thể không bình thường, bị tổn thương thì huyệt tương ứng trên loa tai cũng thay đổi theo, như nhạy cảm hơn, đổi màu da, mạch máu, sần sùi hơn, xuất hiện các nốt, các gờ… Thầy thuốc tùy theo sở trường và bệnh nhân mà vận dụng thuyết tạng phủ hay kinh lạc mà dùng thủ thuật châm giúp điều hòa các chức năng rối loạn, điều chỉnh hoạt động của các bộ phận!
Dĩ nhiên cái tai quý nhất với những người trong ngành nghệ thuật âm nhạc. Người nhạc trưởng bao giờ cũng được ưu ái kính trọng gấp nhiều lần nhạc công, vì từ cổ xưa văn hóa Hy Lạp đã quan niệm “Nhạc trưởng tài năng nhất là những người nghe nhạc giỏi nhất”.
Lịch sử âm nhạc thế giới trân trọng ghi danh người nhạc trưởng vĩ đại Pherekydes (người Hy Lạp) từ năm 709 TCN đã phát minh một cây gậy bằng vàng để chỉ huy dàn hợp xướng 800 nhạc công. Tương truyền ông thẩm âm cực giỏi và cũng cực khó tính, chỉ cần một người đi sai một nốt nhạc là ông bắt chơi lại từ đầu. Hình như là để minh họa cho luận đề cái tai quyết định trong nghệ thuật âm nhạc mà thần thoại Hy Lạp có câu chuyện tai lừa của vua Midas. Ý nghĩa phổ quát của nó còn để lại bài học về sự phán xử (như trọng tài bóng đá ngày nay) rất dễ gặp tai họa.
Số là vua Midas thông minh tài giỏi có công đưa đất nước Hy Lạp trở nên hùng cường, thịnh trị. Có lẽ quá tự tin nên vua nhận lời xử vụ tranh cãi ai giỏi hơn ai giữa hai vị thần. Vua xử cho thần Pan – thần của sáo trúc đồng quê thắng. Thần Apollon - thần của ánh sáng và âm nhạc tức mình vì thua cuộc bèn kéo tai của vua Midas dài ra và tức tối nói: Ngươi có một đôi tai lừa! Ý thần này là mỉa mai vua Midas “ngu như lừa” chẳng biết thẩm âm gì cả nên phải có đôi tai lừa là “xứng đáng”. Thần đã vật hóa một vị vua. Tương tự, người Việt sâu sắc chỉ có 4 chữ “Đàn gẩy tai trâu”, một tương phản gay gắt để làm bật ra nguyên lý: sự tiếp nhận phải tương ứng với chủ thể sáng tạo!
Thế giới hôm nay coi một biểu hiện của khoan dung hòa giải văn hóa là biết lắng nghe nhau. Thực ra chuyện này đã được người xưa thâm thúy nói trong câu chuyện về loài người cùng nhau xây một trụ trời để được lên giời. Thượng đế hoảng sợ bèn cho mỗi cộng đồng một tiếng nói riêng thành ra con người không hiểu được nhau vì ai nói người nấy nghe, có nghe cũng chả hiểu vì “tai nọ xọ tai kia”, việc lên trời vì thế mà bất thành!!!
Nguyễn Thanh TúXem thêm: /085156-neyuhc-ueihn-tar-ehgn-iat-iaC/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv