vĐồng tin tức tài chính 365

Duy trì và phát triển nguồn lực để thắng cuộc chiến dài

2021-07-29 10:33

Duy trì và phát triển nguồn lực để thắng cuộc chiến dài

GS. Nguyễn Đức Khương (*)

(KTSG) - Chống dịch sẽ là cuộc chiến dài. Thế giới kỳ vọng có thể kiểm soát được đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021 khi có những thành tựu đáng kể về nghiên cứu và sản xuất vaccin. Tuy nhiên, năm tháng trước khi năm 2021 khép lại thì tín hiệu cho thấy thế giới vẫn còn xa đích đến (tiêm chủng cho 60-70% dân số).

Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng mới chỉ đạt 27,1% dân số toàn cầu (ít nhất một liều), chỉ có 13,7% đã được tiêm chủng đầy đủ. Do khó khăn trong tiếp cận vaccin, chỉ 1,1% người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều.

Trong một thế giới hội nhập và vaccin chưa đầy đủ, thách thức còn hiện hữu ngay cả đối với các quốc gia đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng trên ngưỡng miễn nhiễm cộng đồng. Ví dụ, Israel đã tiêm chủng Covid-19 cho 64% dân số, nhưng vẫn buộc phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt do số lượng ca nhiễm hàng ngày tăng từ cuối tháng 6. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số ca nhiễm mới toàn cầu trong tuần vừa qua tăng 12%, ở khắp các khu vực địa lý, do sự xuất hiện của biến chủng Delta, có tốc độ lây nhiễm nhanh và có tải lượng virus cao hơn hàng ngàn lần so với virus gốc. 

Khi virus vẫn lây lan thì xác suất xuất hiện các biến chủng mới và nguy hiểm hơn là rất cao. Vì lẽ đó, chống dịch nên được xác định là một cuộc chiến dài. Ngay cả khi có vaccin và tiêm phòng được rất nhiều ở trong nước thì “bình thường mới” cũng có thể chưa diễn ra được ngay, do nguy cơ bùng phát trở lại qua thông thương xuyên biên giới. Một số quốc gia thích ứng bằng chính sách mở cửa từ từ, kiểm soát dịch nghiêm ngặt, và khi thấy nguy cơ virus xâm nhập cộng đồng thì đóng cửa ngay (Úc với chiến lược “không Covid”), trong khi một số khác theo mô hình lúc đóng, lúc mở xen kẽ (các nước châu Âu).

Trong cuộc chơi mới này thì những nước có lợi thế sẽ là những nước hội tụ ba yếu tố sau:

Thứ nhất là khả năng kiểm soát được dịch tốt. Ở đây kiểm soát tốt không hẳn là số lượng ca nhiễm thấp, mà là giảm thiểu tử vong và giảm thiểu sự lây nhiễm. Kiểm soát tốt cũng có tính tương đối vì ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao thì vẫn còn khả năng lây nhiễm.

Thứ hai là khả năng chủ động tương đối nguồn nguyên liệu đầu vào, tiếp tục gắn kết được với chuỗi giá trị và thị trường bên ngoài, đồng thời nắm bắt được những công nghệ quan trọng trong hiện tại và chủ đạo trong tương lai (ví dụ như Đài Loan với công nghệ chip bán dẫn hay Trung Quốc với công nghệ AI - trí thông minh nhân tạo, Big Data - dữ liệu lớn, tự động hóa…).

Thứ ba, có khả năng chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình số hóa, sáng tạo nhiều hơn và đảm bảo chuỗi hậu cần (logistics) cho lưu thông hàng hóa trong nước và với nước ngoài.

Với Việt Nam, chúng ta đang và tiếp tục đối mặt với nguy cơ đứt đoạn sản xuất và cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh thành, vùng miền do tình hình dịch bệnh phức tạp, chưa nói đến việc mở cửa với bên ngoài.

Con đường duy trì và phát triển kinh tế nào cho Việt Nam?

Trên phương diện phòng và chống dịch thì có ba mặt trận chính được tính đến. Theo mức độ ưu tiên thì bao gồm: (1) chống lây nhiễm cộng động; (2) chống quá tải và sự sụp đổ của hệ thống bệnh viện và y tế; và (3) chống suy giảm kinh tế.

Trong tình trạng khẩn cấp, thường chúng ta phải hy sinh kinh tế để tập trung cho kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Lựa chọn trên dễ dàng được đưa ra nếu biết được thời điểm kết thúc của dịch và trong một thời gian không dài. Lý do là chúng ta có thể tính toán cân đối được chi phí, ngân sách và nguồn lực cần thiết. Trong trường hợp ngược lại, khi có nhiều yếu tố bất định thì chúng ta cần xác định một chiến lược đường dài. Nghĩa là buộc phải thực thi các biện pháp duy trì và thúc đẩy kinh tế để có thể tạo được nguồn lực, sức bền và sức chống chịu lâu dài. Yếu tố bất định đến từ các biến chủng mới, hiệu lực vaccin, tâm lý và sức chịu đựng của các chủ thể xã hội…

Với tình hình dịch bệnh trong nước hiện nay, chúng ta cần một chiến lược kiểm soát dịch bệnh đủ bao quát và đủ dài để chiến thắng trên mặt trận thứ nhất và thứ hai, và một môi trường vĩ mô ổn định, linh hoạt để vượt khó trên mặt trận thứ ba.

Cần một chính sách tài khóa thích ứng kịp thời

Khi có nhiều yếu tố bất định thì chúng ta cần xác định một chiến lược đường dài. Nghĩa là buộc phải thực thi các biện pháp duy trì và thúc đẩy kinh tế để có thể tạo được nguồn lực, sức bền và sức chống chịu lâu dài.

Yếu tố bất định đến từ các biến chủng mới, hiệu lực vaccin, tâm lý và sức chịu đựng của các chủ thể xã hội…

Cần có những điều chỉnh nới lỏng mới để tháo gỡ những điểm nghẽn của một nền kinh tế bị tác động mạnh bởi Covid-19 và tăng cường hỗ trợ nền kinh tế. Những hỗ trợ tài khóa tất yếu sẽ đưa đến gia tăng nợ công và gia tăng thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra không phải là thâm hụt bao nhiêu mà là thâm hụt đó được sử dụng vào việc gì. Quan điểm chung là chúng ta phải tối ưu hóa hiệu quả của nguồn lực, không để xảy ra tình trạng lãng phí nguồn lực hay “chấp nhận bất kỳ giá nào” khi phải rơi vào tình trạng gấp rút.

Gói hỗ trợ tài khóa nên ưu tiên chia cho ba phần.

Phần thứ nhất là những khoản chi cho nâng cao năng lực của hệ thống y tế và những mua sắm khẩn thiết bị y tế, vaccin, kit xét nghiệm…

Phần thứ hai chi cho giải cứu doanh nghiệp, người lao động và nhóm người dễ bị tổn thương thông qua hỗ trợ lương thất nghiệp, giảm phí, giảm và thậm chí miễn thuế…Hai phần này Chính phủ đã và đang làm tích cực. Cần rà soát để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ hơn nữa, có thể chấp nhận một tỷ lệ rủi ro sai sót nào đó trong tình trạng khẩn cấp.

Phần thứ ba, cũng không kém phần quan trọng, là chi cho phát triển trong tương lai. Đầu tư vào hợp tác y tế, sản xuất máy thở, mua bản quyền công nghệ sản xuất vaccin, hợp tác nghiên cứu thuốc chữa đặc trị cho bệnh nhân Covid-19, và các vấn đề y tế khác… Đầu tư để tạo trụ cột cho nền kinh tế như ưu tiên hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu phát triển (R&D), doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (y sinh, chống biến đổi khí hậu, nền tảng thương mại điện tử), doanh nghiệp kiến tạo hạ tầng mềm cho số hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu.

Có thể lập một Quỹ hỗ trợ thuế đặc biệt cho các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số để tạo chuyển hướng tích cực cho nền kinh tế. Ngoài ra, đầu tư công hiệu quả cho các công trình hạ tầng trọng điểm (hệ thống logistics, cầu cảng, sân bay, đường cao tốc để tạo liên thông hàng hóa) cũng là yếu tố thúc đẩy việc làm, kết nối và hội nhập kinh tế vùng miền và quốc tế.

Kết hợp một chính sách tiền tệ ổn định với bảo lãnh của chính phủ đối với vốn vay mới của doanh nghiệp

Ba giải pháp thường được áp dụng trong ứng phó khủng hoảng sức khỏe hiện nay là giảm lãi suất cơ bản; bảo lãnh chính phủ đối với vốn vay mới của các doanh nghiệp, và gói giải cứu với lãi suất vay 0%. Ví dụ, tháng 3-2020, Chính phủ Pháp dành một ngân sách 300 tỉ euro để bảo lãnh các khoản vay ngân hàng cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt loại hình với mức lãi suất 0% trong năm đầu tiên và từ 1-2,5%/năm tùy theo thời hạn kéo dài vốn vay sau đó.

Mức vay tối đa tương đương ba tháng doanh thu của năm 2019 hoặc chi phí lương hai năm của những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập từ tháng 1-2019. Các biện pháp hoãn nợ, giãn nợ hay bảo lãnh vốn vay giúp doanh nghiệp cải thiện thanh khoản, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh hay chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Hiện lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (lãi suất tái chiết khấu và lãi xuất tái cấp vốn) đang ở mức tương đối thấp và phù hợp. Nên giữ sự ổn định của lãi suất cơ bản trong một thời gian đủ dài để không tạo bất ổn cho hệ thống ngân hàng, tỷ giá hối đoái, thị trường xuất nhập khẩu, và giảm thiểu rủi ro bong bóng chứng khoán hay bất động sản một khi dòng dịch chuyển vốn không đến đúng khu vực sản xuất, kinh doanh.

Tóm lại, con đường duy trì và phát triển kinh tế trong thời gian tới là hỗ trợ nhanh và kịp thời hơn nữa các doanh nghiệp, người lao động và người dân trong điều kiện phong tỏa. Việc then chốt ở đây không chỉ là giải cứu các doanh nghiệp khó khăn mà còn phải tạo môi trường cho các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.

Tiếp đến là chi tiêu thông minh, đầu tư thông minh, và tính đến hiệu quả thông qua các chỉ số đo lường. Lúc này cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại các chi tiêu, đầu tư trước đó, vừa rút ra bài học kinh nghiệm, vừa tìm cách tiết kiệm chi phí và đầu tư hiệu quả.

Các đầu tư cũng phải hướng về tương lai, giúp chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tích cực. Cần có những tổ công tác đặc biệt (Task Force) được giao nhiệm vụ bình tĩnh lựa chọn các quyết định kinh tế, chính sách đầu tư, không để tình trạng “căng thẳng” của dịch bệnh đưa đến lãng phí nguồn lực. Phương châm này không nên chỉ dừng ở Chính phủ, mà phải đến được mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp vì phòng chống Covid-19 là một mặt trận chung. 

(*) Giáo sư tài chính, IPAG Business School, Pháp; Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (https://www.avseglobal.org/)

Xem thêm: lmth.iad-neihc-couc-gnaht-ed-cul-nougn-neirt-tahp-av-irt-yud/078813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Duy trì và phát triển nguồn lực để thắng cuộc chiến dài”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools