Ngày 28-7, sau cuộc hội đàm với các quan chức Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo rằng Afghanistan sẽ trở thành một "quốc gia bị bài xích" - chỉ các quốc gia bị bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập ngoại giao - nếu Taliban giành quyền kiểm soát bằng vũ lực, tờ South China Morning Post đưa tin.
“Một đất nước Afghanistan không tôn trọng quyền của người dân, một Afghanistan thực hiện hành vi tàn bạo đối với người dân của mình sẽ trở thành một quốc gia bị bài xích” - Ngoại trưởng Blinken tuyên bố.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Bliken đã cùng với Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh vào việc tìm kiếm một "giải pháp hòa bình" cho tình hình ở Afghanistan hiện tại.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Bliken (trái) và Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar. Ảnh: AP
Theo SCMP, Ấn Độ đã cảnh giác hơn đối với vụ việc ở Afghanistan. New Delhi cho rằng điều này có khả năng gây ra mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích chiến lược của họ, vì nó có thể làm cán cân quyền lực trong khu vực nghiên về phía đối thủ là Pakistan và Trung Quốc.
Ngày 28-7, một phái đoàn Taliban do người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại TP Thiên Tân của Trung Quốc, để đảm bảo với Bắc Kinh rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để đe dọa an ninh của các quốc gia khác.
Theo đó, ông Vương cho biết Trung Quốc cam kết sẽ hỗ Taliban trong công cuộc tái thiết ở Afghanistan, đồng thời yêu cầu nước này cắt đứt quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - nhóm bị Bắc Kinh cáo buộc đứng sau các cuộc tấn công khu vực Tân Cương.
Các nhà phân tích cho biết Washington cũng nhận thức được sự không hài lòng của New Delhi về những bất ổn ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi khu vực. Theo họ, Mỹ đang đánh giá tác động của việc này đối với mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ là “một trong những ưu tiên hàng đầu” của Washington, nhấn mạnh “hiếm có mối quan hệ nào trên thế giới quan trọng hơn quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ”.
Ông cho biết thêm cả hai nước đều có lợi ích to lớn ở một Afghanistan “hòa bình và ổn định” và đôi bên đều nhìn nhận vấn đề Afghanistan theo cùng một cách rằng sẽ “không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột này”.
Đánh giá về mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ, hôm 27-7, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định Washington và New Delhi có “quan hệ đối tác chiến lược bền chặt dựa trên các giá trị chung và cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
"Ấn Độ là đối tác quan trọng trong nỗ lực đảm bảo rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực hòa bình, ổn định và ngày càng thịnh vượng và hòa nhập kinh tế" - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.